Hơn 90% hợp tác xã chưa tham gia liên kết tiêu thụ nông sản

Đến giai đoạn 2015-2020, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường sự liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng.
Hơn 90% hợp tác xã chưa tham gia liên kết tiêu thụ nông sản ảnh 1 Xuất khẩu gạo ở Cần Thơ. (Ảnh: Đinh Huệ/TTXVN)

Liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay chủ yếu là giữa nông dân với doanh nghiệp còn liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã rất hạn chế, hơn 90% số hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chưa tham gia vào các hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản.

Nhìn chung khối các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp hiện hay chưa phát huy nhiều về vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Một số mặt hàng tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3%-15%.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị đánh giá tình hình đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế, hợp tác trong nông nghiệp được tổ chức sáng nay (14/10), tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, do yêu cầu về sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay nên việc xuất hiện các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn đang là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hình thức liên kết tương đối đa dạng bao gồm liên kết giữa nông dân với hợp tác xã; nông dân với doanh nghiệp; hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp… Liên kết được thực hiện cả trong việc cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân với doanh nghiệp.

Các lĩnh vực ngành hàng phát triển mạnh về liên kết sản xuất tiêu thụ như lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chè ở các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, mía đường ở các tỉnh miền Trung, sữa ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Điển hình như liên kết cánh đồng lớn của Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang; hợp tác xã Tân Cường, tỉnh Đồng Tháp (lúa gạo), hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Định, tỉnh Thái Bình về lúa giống; hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt tỉnh Lâm Đồng…

Riêng về liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo được thực hiện tương đối rộng rãi và gắn kết chặt chẽ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, việc tổ chức liên kết vẫn chưa được thực hiện rộng rãi trên địa bàn của cả nước, hiện mới chỉ chủ yếu thực hiện với ngành hàng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số ngành hàng như mía đường, chè, cà phê, sữa, diêm nghiệp, thủy sản….

Số lượng hợp tác xã chuyên ngành, đặc biệt là các hợp tác xã chuyên ngành ứng dụng sản xuất công nghệ cao, hoạt động có hiệu quả thực hiện liên kết rất ít. Cụ thể, hợp tác xã lâm nghiệp chỉ khoảng 115 đơn vị; thủy sản có 594 hợp tác xã; diêm nghiệp chỉ có 79 hợp tác xã và khoảng 200 hợp tác xã chuyên trồng trọt.

Bởi vậy, mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2015-2020, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường sự liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng. Đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng từ 3-15% hiện nay đạt 25-30%.

Qua đó, thúc đẩy quá trình “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp” nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, cả nước sẽ cơ bản tiến hành chuyển đổi xong 10.336 hợp tác xã nông nghiệp sang tổ chức và hoạt động theo luật hợp tác xã 2012. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy thành lập mới 2.000 hợp tác xã theo hướng ưu tiên các hợp tác xã sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Còn khoảng 2.500 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả thì sẽ nhanh chóng giải thể để thực hiện lành mạnh hóa các hoạt động của các hợp tác xã hiện nay./.

Cả nước hiện có 10.339 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 9.363 hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp (chiếm 92%); các hợp tác xã chuyên ngành chỉ khoảng 115 hợp tác xã lâm nghiệp; 594 hợp tác xã thuỷ sản và 79 hợp tác xã diêm nghiệp. Tổng số xã viên hợp tác xã nông nghiệp cả nước khoảng 6,7 triệu người. Bình quân 1 hợp tác xã nông nghiệp có 660 xã viên. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp khoảng 45%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.