Hòn đảo Alicudi nhỏ bé tại Italy là nơi sinh sống của khoảng 100 cư dân và đáng lẽ chỉ là môi trường sống của 100 con dê hoang dã.
Tuy nhiên, số lượng dê tại đây cao gấp 6 lần so với con số lý tưởng này.
Trước tình trạng mất cân bằng giữa số cư dân và động vật trên đảo, Thị trưởng Riccardo Gullo đang nỗ lực kêu gọi mọi người đóng góp sáng kiến giải quyết vấn đề này.
Chính quyền địa phương không muốn sát hại những con dê này, do đó chương trình “nhận nuôi dê” đã ra đời. Theo đó, mỗi người có thể nhận nuôi tối đa 50 con dê.
Để nhận nuôi, các ứng cử viên cần gửi đề nghị chính thức qua email cho chính quyền địa phương trước ngày 10/4 và trả phí đóng dấu 16 euro (khoảng 17 USD) để hoàn thành thủ tục.
Tuy vậy, ông Gullo thông báo sẽ gia hạn cho tới khi đa số con dê được nhận nuôi.
Một số con sẽ vẫn sống trong môi trường hoang dã để phục vụ cho mục đích du lịch. Sau đó, người nhận nuôi dê sẽ có 15 ngày để bắt và đưa chúng ra khỏi đảo.
Alicudi là hòn đảo có ít người sinh sống nhất trong số 7 hòn đảo thuộc quần đảo Aeilian ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Sicily.
Theo chính quyền vùng Sicily, một người nông dân đã đưa và thả những con dê ở đảo Alicudi khoảng 20 năm trước.
Qua nhiều năm, những con dê sống trên các vách đá của Alicudi và sinh sản với tốc độ đáng kinh ngạc.
Alicudi không phải là nơi đầu tiên chứng kiến số lượng dê hoang dã khó kiểm soát như vậy.
Tháng 6/2023, tại một khu phố ở McKinney thuộc bang Texas (Mỹ), đã có 40 con dê chạy xung quanh và tàn phá các bãi cỏ sau khi tách khỏi một đàn ở khu vực gần đó.
Tháng 3/2020, trong khi thực hiện lệnh giãn cách do dịch COVID-19 , cư dân Llandudno ở xứ Wales (Anh) đã phát hiện ra những đàn dê lang thang trên đường phố cũng như mạo hiểm đi xuống từ ngọn đồi phía trên thị trấn./.
Công nghệ giúp bảo tồn động, thực vật hoang dã như thế nào?
Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới (3/3) năm nay có chủ đề là: “Kết nối con người và hành tinh: Khám phá sự đổi mới kỹ thuật số trong bảo tồn động thực vật hoang dã.”