Hong Kong có thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore

Các nhà kinh tế đã nâng mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hong Kong năm nay thêm 0,7 điểm phần trăm, lên 6,7%, sắp kịp tốc độ tăng trưởng của một trung tâm tài chính Singapore.
Hong Kong có thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore ảnh 1Một phố mua sắm ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng với việc dịch COVID-19 được kiểm soát và kinh tế phục hồi sau suy thoái, trong năm 2021, nền kinh tế của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có triển vọng lần đầu tiên kể từ năm 2008 bắt kịp tốc độ tăng trưởng của một trung tâm tài chính khác ở châu Á là Singapore.

Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg (Mỹ), các nhà kinh tế đã nâng mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hong Kong năm nay thêm 0,7 điểm phần trăm, lên 6,7%, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 6,5%.

Nền kinh tế Hong Kong tiếp tục phục hồi trong quý 2/2021 với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh các hoạt động kinh tế đang ấm dần lên sau khi chịu tác động nghiêm trọng của tình hình chưa ổn định ở Hong Kong và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.

[Amcham: Nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài có ý định rời Hong Kong]

Trong khi "sức khỏe" của nền kinh tế Hong Kong được cải thiện, thì Chính phủ Singapore lại đang thắt chặt các biện pháp phòng dịch để kiểm soát tình hình COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Theo Gary Ng, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis) ở Hong Kong, kinh tế Hong Kong sẽ tiếp tục phục hồi mang tính chu kỳ trong năm 2021, đặc biệt việc phát phiếu tiêu dùng có thể giúp GDP tăng thêm 0,5%.

Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục đóng của biên giới trong bối cảnh hiệu ứng cơ sở giảm dần, thì thách thức thực sự có thể sẽ xuất hiện trong năm tới.

Kết quả khảo sát cho thấy Singapore sẽ tiếp tục đạt được lợi thế dẫn đầu rõ ràng trong năm tới, với tốc độ tăng trưởng dự kiến trong năm 2022 đạt 4,1%, trong khi của Hong Kong là 3%. Xu thế này nhiều khả năng có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.