Hong Kong dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào khu vực Tây Nguyên

Hiện nay, đầu tư nước ngoài đã có mặt tại cả 5 tỉnh, thành phố của khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của khu vực còn rất hạn chế so với các vùng khác của cả nước.
Hong Kong dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào khu vực Tây Nguyên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến 15/12/2014, khu vực Tây Nguyên đã có 148 dự án FDI đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 819 triệu USD.

Hiện nay, Lâm Đồng đang đứng đầu khu vực với 122 dự án và khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư (chiếm  82% tổng số dự án và 61% tổng vốn đầu tư của cả khu vực).

Đứng thứ hai là Đắk Lắk đứng thứ hai với 6 dự án và 150 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 4% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của cả khu vực).

Gia Lai đứng thứ ba với 11 dự án và 80 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7% tổng số dự án và 9,71% tổng vốn đầu tư của cả khu vực). Kế đó, Kon Tum với 3 dự án và 70 triệu USD vốn đầu tư và Đắk Nông có 6 dự án và 19,6 triệu USD.

Xét về quốc gia đầu tư, Hongkong (Trung Quốc) hiện đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào khu vực này với 9 dự án và 150 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 6% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của toàn vùng).

Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với 48 dự án và 122 triệu USD vốn đăng ký và Nhật Bản đứng thứ ba với 15 dự án và 103 triệu USD vốn đăng ký.

Hoạt động đầu tư của khối ngoại vào khu vực tập trung tại các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (đứng đầu với 82 dự án và 350 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 55% tổng số dự án và 42% tổng vốn đầu tư của toàn vùng).

Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 46 dự án và 198 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 31% tổng số dự án và 24% tổng vốn đầu tư của toàn vùng).

Theo đánh giá từ Báo cáo, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên còn rất hạn chế so với tiềm năng của các tỉnh.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta. Tuy nhiên so với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế- xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn, như thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp. Song, Tây Nguyên được các nhà đầu tư đánh giá là khu vực có lợi điểm về tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, đại diện từ Cục đầu tư nước ngoài nhấn mạnh “trong thời gian tới, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần chú trọng hơn trong công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh tới cộng đồng các nhà đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực cũng cần tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.