Hong Kong hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm xuống -3,2%

Theo chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tình trạng lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu của Hong Kong.
Hong Kong hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm xuống -3,2% ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo GDP quý 3/2022 của vùng lãnh thổ này giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cũng một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm xuống -3,2%, là lần thứ ba hạ dự báo trong năm 2022.

Cố vấn Kinh tế của chính quyền Lương Vĩnh Thắng cho biết do môi trường bên ngoài xấu đi và giao thông đường bộ xuyên biên giới giữa đại lục và Hong Kong bị gián đoạn, xuất khẩu hàng hóa của Hong Kong trong quý 3đã giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, cùng với việc chính quyền thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội như nới lỏng giờ kinh doanh của một số cơ sở cũng như nới lỏng chính sách cho phép người nhập cảnh được cách ly tại nhà, xuất khẩu dịch vụ du lịch đã tăng 108% trong quý 3.

Thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,7% trong quý 2 xuống 3,9% trong quý 3. 

Chỉ số giá tiêu dùng nhìn chung vẫn ở mức trung bình trong quý 3, với lạm phát cơ bản tăng 1,8% so với cùng kỳ, tương tự mức tăng 1,7% trong quý 2.

[Hong Kong điều chỉnh lãi suất lên mức cao nhất trong 14 năm]

Ông Lương Vĩnh Thắng cho biết sau khi Hong Kong nới lỏng chính sách nhập cảnh, số lượng khách đến Hong Kong đã tăng lên 50%.

Việc Trung Quốc đại lục điều chỉnh chính sách nhập cảnh từ ngày 11/11 chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến Hong Kong, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cần phải xem xét các yếu tố khác.

Theo ông, trong thời gian tới, tình trạng lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu của Hong Kong.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát và các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, các hoạt động kinh tế sẽ dần trở lại bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.