Hong Kong luôn hoan nghênh các doanh nghiệp và nhân tài Việt Nam

Tổng Thư ký hành chính Hong Kong cho biết các địa phương của Việt Nam và Hong Kong từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ, kim ngạch thương mại song phương phát triển mạnh, trung bình hằng năm đạt 11,8%.
Hong Kong luôn hoan nghênh các doanh nghiệp và nhân tài Việt Nam ảnh 1Tổng lãnh sự Việt Nam Phạm Bình Đàm (đứng thứ 2, từ bên trái sang) cùng các quan khách tham dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Bùi Phóng/TTXVN)

Ngày 7/9, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau (Trung Quốc) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022).

Đến dự lễ kỷ niệm có ông Trần Quốc Cơ (Chan Kwok-ki) - Tổng Thư ký hành chính Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), ông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang) - Cục trưởng Cục an ninh, ông Phương Kiến Minh - Phó đặc phái viên Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong, ông Lâm Kiến Nhạc (Peter Lam) - Chủ tịch Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong, cùng các quan chức Đặc khu, đại diện Tổng lãnh sự quán các nước và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam cùng đại diện bà con người Việt và lưu học sinh Việt Nam tại Hong Kong.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm đã ôn lại ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc khánh, khẳng định Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945 đánh dấu bước khởi đầu chặng đường phi thường của Việt Nam, đồng thời ôn lại các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất cũng như những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới, mở cửa trong hơn 30 năm qua.           

Về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và Hong Kong nói riêng, ông Phạm Bình Đàm đánh giá Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập niên, tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 165,8 tỷ USD vào năm 2021.

Hợp tác song phương phát triển bền vững. Trao đổi song phương diễn ra sôi động, mạnh mẽ, ở tất cả các cấp và kênh, trong đó có trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao.

Đặc khu hành chính Hong Kong và Việt Nam rất gần nhau về địa lý, sự gần gũi về văn hóa, lịch sử, quan hệ thương mại, kinh doanh và đầu tư và quan hệ nhân dân đã góp phần gắn kết hơn nữa quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam và Hong Kong, đặc biệt Hong Kong chính là nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hong Kong là những người đầu tiên đến khi Việt Nam mở cửa, hợp tác kinh tế giữa 2 bên ngày càng gia tăng.

Hong Kong hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 và thứ 5 của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại thứ 7 của Hong Kong trong năm 2021. Ngoài ra, quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo cũng không ngừng phát triển.

Ông Phạm Bình Đàm cho biết Việt Nam có những sinh viên tài năng, giành chiến thắng trong nhiều các cuộc thi quốc tế và luôn đạt thành tích xuất sắc tại các trường đại học mà họ theo học, trong khi Hong Kong có các trường đại học uy tín nhất thế giới và đang tìm kiếm nhân tài.

Số sinh viên Việt Nam ở Hong Kong đã tăng gấp đôi lên gần 200 sinh viên. Chỉ tính riêng năm 2022, Đại học Trung Văn Hong Kong đã cấp học bổng cho 18 sinh viên Việt Nam.

[Hong Kong là thị trường nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam]

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký hành chính Trần Quốc Cơ cho biết các địa phương của Việt Nam và Hong Kong từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ, kim ngạch thương mại song phương phát triển mạnh, trung bình hằng năm đạt 11,8%.

Ông nhấn mạnh triển vọng hợp tác quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên rất to lớn, Việt Nam là một trong 15 quốc gia sáng lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây sẽ là nền tảng đầy hứa hẹn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Quốc Cơ cũng khẳng định Hong Kong luôn hoan nghênh các doanh nghiệp và nhân tài Việt Nam.

Với vị thế của Hong Kong là một trung tâm tài chính toàn cầu, đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc đại lục và châu Á, ông mong muốn các địa phương của Việt Nam và Hong Kong có nhiều sáng kiến hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực đa dạng, không chỉ trong lĩnh vực thương mại và giáo dục như hiện nay mà cần mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, đổi mới và công nghệ để quan hệ hợp tác giữa 2 bên ngày càng phát triển.

Theo ông Trần Quốc Cơ, giáo dục bậc cao là một trong những yếu tố quan trọng trong nỗ lực phát triển thành nền kinh tế tri thức, do vậy với các trường đại học đẳng cấp thế giới, Hong Kong chắc chắn có thể là nơi mà Việt Nam có thể tận dụng trong nỗ lực này.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Tổng lãnh sự trong thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hong Kong.

Hong Kong luôn hoan nghênh các doanh nghiệp và nhân tài Việt Nam ảnh 2Tổng lãnh sự Việt Nam Phạm Bình Đàm phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Bùi Phóng/TTXVN)

Anh Lưu Trần Trung - Phó Giáo sư Vật lý, Đại học Hong Kong, cho biết anh luôn mong muốn đất nước hùng mạnh, dân tộc Việt Nam sánh vai được với các cường quốc 5 châu như lời Bác Hồ đã dặn.

Là một người nghiên cứu và giảng dạy, anh hy vọng các bạn trẻ Việt Nam tự đặt cho mình hoài bão, ước mơ và cố gắng học hỏi, rèn luyện để thực hiện được ước mơ của mình.

Chị Nguyễn Thị Đông - người Việt sinh sống tại Hong Kong, cho biết những người Việt ở đây luôn hướng về quê hương, mong muốn đất nước ngày càng phát triển, hy vọng có dịp được trở về quê hương vào những ngày Quốc khánh để được đoàn tụ gia đình.                     

Năm nay, do Hong Kong và Macau vẫn thực hiện chính sách cách ly sau khi nhập cảnh, nên đại diện cộng đồng người Việt tại Macau không thể sang Hong Kong dự lễ Quốc khánh.

Chị Trần Thị Gọn, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt ở Macau, cho biết các anh chị em người Việt luôn một lòng hướng về quê hương đất nước, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau trong công việc và những lúc khó khăn.

Để động viên tinh thần, hiệp hội còn thành lập đội bóng; quảng bá hàng Việt Nam khi có cơ hội để lan tỏa sản phẩm Việt.

Hội còn tham gia các dự án giữ môi trường xanh sạch đẹp với sở tại. Khi dịch bệnh tại Việt Nam bùng phát mạnh, mọi người còn chung tiền ủng hộ Việt Nam mua vaccine cũng như khi quê nhà xảy ra thiên tai bão lũ.

Chị Đinh Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt ở Macau - khẳng định cộng đồng người Việt ở Macau vẫn luôn biết ơn những đóng góp của cha ông để đất nước được độc lập, thống nhất, luôn tự hào về những bước tiến mạnh mẽ của đất nước trong thời gian qua và luôn một lòng hướng về Tổ quốc thân yêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.