Hong Kong và Macau hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản

Các sản phẩm thủy sản sống, đông lạnh, làm lạnh, sấy khô hoặc bảo quản bằng cách khác, muối biển và rong biển sống hoặc chế biến từ những nơi trên sẽ bị cấm nhập khẩu vào Hong Kong.
Hong Kong và Macau hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản ảnh 1Các sản phẩm kể cả đông lạnh ở những nơi liên quan sẽ bị cấm nhập khẩu vào Hong Kong. (Nguồn: AP)

Ngày 22/8, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản gồm Tokyo, Fukushima, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Niigata, Nagano và Saitama từ ngày 24/8 và tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản từ ngày 23/8 tới.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24/8.

Cụ thể, tất cả các sản phẩm thủy sản sống, đông lạnh, làm lạnh, sấy khô hoặc bảo quản bằng cách khác, muối biển và rong biển sống hoặc chế biến từ những nơi trên sẽ bị cấm nhập khẩu vào Hong Kong.

Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu đã chỉ thị Cơ quan Môi trường và Sinh thái và các bộ phận liên quan ngay lập tức triển khai các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nhấn mạnh rằng an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền đặc khu.

[Lo ngại mức độ phóng xạ, Hàn Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản]

Trước đó, Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong cũng cho biết đã tăng toàn diện phạm vi kiểm nghiệm đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ giữa tháng 6.

Từ ngày 12-25/7, Trung tâm An toàn thực phẩm đã kiểm nghiệm tổng cộng 6.020 mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, trong đó khoảng 3.506 mẫu là thủy sản và các sản phẩm liên quan, rong biển, muối biển. Mức phát hiện nhiễm phóng xạ của tất cả các mẫu không vượt quá giới hạn.

Trong một động thái tương tự, ngày 22/8, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 tỉnh trên của Nhật Bản. Lệnh cấm cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 24/8.

Cụ thể, các thực phẩm bị cấm nhập khẩu bao gồm các sản phẩm tươi sống, thực phẩm có nguồn gốc động vật, muối biển và rong biển bao gồm rau, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, thịt và các sản phẩm từ thịt, trứng gia cầm...

Kể từ đầu năm nay, Macau đã tăng cường giám sát chất phóng xạ trong thực phẩm Nhật Bản nhập khẩu ở cả cấp độ nhập khẩu và bán lẻ. Việc kiểm tra các hạt nhân phóng xạ cụ thể đã được thêm vào như một hạng mục kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường.

Chính quyền Macau cho biết nhân viên cũng đã được cử đến các cảng để kiểm tra bằng dụng cụ đo bức xạ trên mỗi hộp sản phẩm theo từng lô.

Macau cũng sẽ tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán lẻ, tiến hành kiểm tra bằng dụng cụ đo bức xạ cầm tay, chủ yếu nhắm vào các loại thực phẩm không thiết yếu được nhập khẩu từ những nơi khác ở Nhật Bản, vốn không cần kiểm tra và kiểm dịch, chẳng hạn như gạo, rong biển, trà, đồ ăn nhẹ và các thực phẩm đóng gói sẵn khác.

Từ ngày 23/8, Văn phòng chính quyền Macau sẽ mở một trang web đặc biệt về kiểm tra an toàn thực phẩm, ngoài việc công bố số liệu kiểm tra bức xạ mỗi ngày, cũng snhư đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các gói đồ họa, bài đăng và đoạn video ngắn.

Cùng ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Thứ trưởng Bộ này đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi để phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.