Hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu kèm sản phẩm

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rà soát thông tin phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ.
Hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu kèm sản phẩm ảnh 1Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Tại văn bản trả lời của đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm.

Điều này nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. 

[Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người mua bảo hiểm]

Trong thời gian qua, trước thông tin phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho các khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật nhằm giúp khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.

Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

Trong thời gian tới, cùng với các biện pháp đã triển khai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng; trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải hướng dẫn, niêm yết, công bố công khai tại trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch về các sản phẩm bảo hiểm, các quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động này và việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trên cơ sở các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.