Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng 21/10 cho thấy, các lĩnh vực về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua được cử tri và nhân dân đánh giá khá tích cực, thể hiện sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng kiến nghị khắc phục một số vấn đề còn tồn tại.
Quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, được cử tri, nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng, lãng phí ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở.
Đặc biệt tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả; còn để xảy ra tình trạng người vi phạm trốn ra nước ngoài trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Cử tri, nhân dân đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ án lớn mà nhân dân quan tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.
Ô nhiễm môi trường vẫn chậm được khắc phục
Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đa số ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cho rằng, công tác bảo vệ môi trường đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân. Tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm.
Việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng. Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xử lý và ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về một số quy định về đất đai còn bất cập, thủ tục rườm rà; chậm giải quyết việc chuyển đổi quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, kéo dài.
Tình trạng một số cán bộ bao che cho chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định, không bảo đảm chất lượng vẫn còn. Một số “dự án treo” kéo dài nhiều năm.Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
[Cử tri ghi nhận những chuyển biến toàn diện về kinh tế-xã hội]
Trước thực tế trên, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật Đất đai.
Cùng với những vấn đề nêu trên, cử tri, nhân dân phản ánh và băn khoăn, lo lắng về: địa vị pháp lý của người Việt Nam ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú, làm việc ở Việt Nam và quản lý người Việt Nam đi làm việc, học tập, lao động ở nước ngoài chưa chặt chẽ; giá dịch vụ y tế tăng cao, chất lượng khám, chữa bệnh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số còn phân tán, thiếu nguồn lực; giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Công tác giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng còn tồn đọng; triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một số nơi còn khó khăn, vướng mắc; tình trạng ngư dân hưởng ứng chủ trương đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ gặp nhiều khó khăn thậm chí đối mặt với nguy cơ vỡ nợ; tiếp công dân, đối thoại của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với người dân ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc…
Đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch các dự án
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền các cấp. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Tuy nhiên, còn một số nội dung cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tại Kỳ họp thứ 8, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề cần ưu tiên sớm giải quyết. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ và địa phương cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân đã ban hành; gắn việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia với phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm và ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch các dự án.
Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư công; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm.
Đồng thời, Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy.
Chính quyền các địa phương phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú bất hợp pháp, mua bán đất đai, nhà ở tại những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.
Đảng, Nhà nước cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy, tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm./.