Họp Quốc hội: Lại "nóng" chuyện “đã uống rượu thì không lái xe”

Xung quanh những quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc cấm tuyệt đối không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông là quá cứng nhắc.

Có ý kiến cho rằng việc cấm tuyệt đối không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông là cứng nhắc. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Có ý kiến cho rằng việc cấm tuyệt đối không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông là cứng nhắc. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến quy định nồng độ cồn của người tham gia giao thông đường bộ trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu cho rằng quy định hiện hành còn “cứng.”

“Không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0

Quan tâm tới quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết trong hồ sơ trình tại kỳ họp đã có báo cáo đánh giá tác động, kết quả điều tra xã hội học và bổ sung số liệu minh chứng cũng như kinh nghiệm quốc tế để đề xuất phương án tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Mặc dù thống nhất với quy định này, song đại biểu cho rằng Bộ Y tế cần được giao ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol máu, có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn.

“Trong nhận định kết quả, cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu,” đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

220520240228-z5465138259631_ce375fc9af52c2905590a416a9436dfc.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Quốc hội)

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, tại Kỳ họp thứ 6 trong phiên thảo luận tổ, đại biểu đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe vì cho rằng chúng ta nên quy định cùng xu hướng của các nước trên thế giới và việc lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi mức vượt 0 hoặc là vượt ngưỡng 0,025 mg/lít khí thở, hoặc thậm chí có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ số để kiểm tra sự tỉnh táo của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trước khi xử phạt.

Trong đợt tiếp xúc cử tri tại Kỳ họp thứ 7 và trước Kỳ họp thứ 7, đại biểu cho biết, có cử tri nêu ý kiến kiến nghị tiếp tục giữ quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như vậy thì quá chặt.

Thậm chí theo đại biểu, trong số các đại biểu Quốc hội vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, ông Huân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho Luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

Đại biểu nêu dẫn chứng: “Ví dụ như có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra và trong số vụ tai nạn do rượu bia ấy, có bao nhiêu phần trăm vụ, chủ yếu ở độ tuổi nào, các đặc điểm chung của các nhóm đối tượng vi phạm… Nếu số lượng vụ vượt ngưỡng chiếm đa số các vụ tai nạn do rượu bia gây ra và chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và và áp dụng các biện pháp giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, nghĩa là không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.”

z5465517942697_94eba9f2147645e3254c75bdda7c34a2.jpg
Người tham gia giao thông bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

“Ngược lại, nếu số liệu thống kê cho thấy, loại hình tai nạn do rượu bia gây ra chiếm tỉ lệ lớn, phân bổ ở mọi đối tượng, thành phần, độ tuổi không thể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào Luật. Có như vậy thì Luật được thông qua sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan,” đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Cần quy định chặt chẽ nhằm tránh oan sai

Cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Kỳ họp.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tuấn quan tâm, trao đổi thêm về Khoản 2, Điều 10, quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là quy định đang gây nhiều tranh cãi.

Trong báo cáo của Ủyban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định: “Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệnh kết quả xử lý.” Như vậy, vấn đề đặt ra là: Việc xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ rang,” chứ không phải là không có căn cứ; “thực tiễn phát hiện là rất hiếm” chứ không phải là không có, và “có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu,” nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu?

Theo đại biểu Tuấn đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong Luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

z5465518012661_18bdec0ed9092dcdc498819e9532af19.jpg
Máy kiểm tra nồng độ còn của lực lượng chức năng. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh.”

Đồng thời, theo đại biểu cần bổ sung quy định trong Luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này./.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới, gộp 04 điều thành 02 điều, tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 02 điều (Điều 33 và Điều 54).

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục