Trang mạng The Diplomat gần đây có bài viết với tiêu đề “Hợp tác phát triển Ấn-Mỹ mang lại lợi ích như thế nào cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Nội dung như sau:Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã đạt được một cột mốc quan trọng bằng việc sửa đổi hợp tác phát triển ba bên với các nước châu Á và châu Phi. Hai nước đã thống nhất sự bổ sung đầu tiên đối với Tuyên bố hướng dẫn nguyên tắc (SGP), chính thức mở rộng mối quan hệ đến năm 2021.
Hợp tác ba bên Ấn-Mỹ với các quốc gia châu Á, châu Phi được đưa ra tại tuyên bố chung trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi năm 2016 với lợi ích ban đầu là hợp tác phát triển.
Khái niệm này còn xuất hiện trước cả khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên thực tế, khái niệm hợp tác ba bên có từ năm 2014, khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đồng ý cùng hợp tác với các quốc gia khác.Hợp tác phát triển thể hiện dưới hình thức là các chương trình nâng cao năng lực đặc biệt.
Các chương trình này trải rộng trên các lĩnh vực khác nhau bao gồm nông nghiệp, thương mại, đầu tư, y tế, năng lượng sạch và các lĩnh vực khác.Cho đến nay, một trong những thành công lớn của mối quan hệ hợp tác này là Chương trình lương thực tương lai-đào tạo ba bên Ấn Độ. Đây là một sáng kiến tập trung vào việc đào tạo các nhà nông nghiệp châu Phi tại Ấn Độ khi nhận được viện trợ và hỗ trợ từ USAID.
Ngoài ra, còn có một loạt chương trình hợp tác khác giữa Ấn Độ, Mỹ và các quốc gia châu Phi như Đối tác đổi mới nông nghiệp, Nền tảng chuyển đổi sáng tạo tương lai châu Phi-Ấn Độ, Máy sấy năng lượng mặt trời, Cầu nối đổi mới các sản phẩm từ sữa Ấn Độ-Kenya.
[Ý tưởng giúp New Delhi can dự mạnh mẽ vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Tại châu Á, Mỹ và Ấn Độ cũng đạt được những tiến bộ đáng khen ngợi trong việc thực hiện các đề án, từ Sáng kiến trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan đến Sáng kiến hội nhập năng lượng khu vực Nam Á. Những sáng kiến này đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và trao đổi thương mại điện năng xuyên biên giới giữa các nước Nam Á.
Theo Sáng kiến hội nhập năng lượng khu vực Nam Á, Ấn Độ và Mỹ đã tham gia tổ chức các hội thảo tại Nepal, Bhutan, cũng như các nước Nam Á khác nhằm xây dựng năng lực thiết kế, quản lý và điều hành một thực thể kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng điện.
Thông qua các chương trình này, rõ ràng việc gia hạn thỏa thuận SGP gần đây góp phần tạo ra những lợi ích tốt nhất cho cả Ấn Độ và Mỹ, cũng như củng cố vai trò chung của hai nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.Thông qua sự hợp tác trên, cả Ấn Độ và Mỹ đều nhận được sự hỗ trợ từ người dân các quốc gia mà tại đó, chương trình hỗ trợ phát triển được thực hiện.
Những nỗ lực này có thể được coi là một trong những chương trình hợp tác chung quan trọng nhất của Ấn-Mỹ. Mục tiêu chính của các sáng kiến ngoại giao công cộng như vậy là để tạo ra một ảnh hưởng tích cực cho quan hệ đối tác Ấn-Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn.
Sắp xếp những lợi ích giữa hai nước sẽ tạo động lực cho quan hệ đối tác của họ, vốn cũng được củng cố thông qua Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quan hệ Ấn Độ và Mỹ đã trải qua một chặng đường dài từ thời Chiến tranh Lạnh đến quan hệ đối tác chiến lược hiện tại với các chiến lược hợp tác xuyên suốt từ song phương đến đa phương, từ các khía cạnh dân sự đến quân sự.
Quỹ đạo của mối quan hệ Ấn-Mỹ đã vượt ra ngoài sự thay đổi lãnh đạo và chính quyền ở hai nước. Quan hệ đối tác Ấn-Mỹ được khẳng định trong gần hai thập kỷ qua bởi cả đảng Cộng hòa và Dân chủ nắm quyền ở Mỹ, cũng như các chính phủ khác nhau ở Ấn Độ.
Vị trí địa chính trị mới của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang đến cả thách thức và triển vọng phát triển cho quan hệ Ấn-Mỹ.
Một mặt, sự trỗi dậy của Trung Quốc với những chiến lược gây ảnh hưởng và phát triển quân sự đang là thách thức cho mối quan hệ Ấn-Mỹ. Một mặt, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng mang đến cơ hội hợp tác giữa các nền dân chủ như Ấn Độ và Mỹ để phát triển quan hệ đối tác chung, thực hiện các dự án liên quan tại nước thứ ba.
Các nhà phân tích có thể đã từng chỉ ra rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thiếu sự tham gia của Ấn Độ, nhưng việc xây dựng năng lực chung gần đây giữa hai nước lại cho thấy một góc nhìn khác.
Các sáng kiến mới Ấn-Mỹ đang đánh dấu những bước tiến mạnh mẽ cho cả khu vực Ấn Độ Dương trong mối liên quan ngày càng có ý nghĩa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ và Mỹ thậm chí còn có thể hợp tác mạnh mẽ hơn nữa tại khu vực này./.