Hợp tác chống hàng giả mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Quản lý Thị trường đã kiểm tra và xử lý 384 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền đối với mặt hàng xe máy và phụ tùng.
Hợp tác chống hàng giả mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy ảnh 1Tổng cục Quản lý Thị trường ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam về chống hàng giả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) và Hiệp hội các Nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc phối hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là thỏa thuận tiếp theo được Tổng cục Quản lý Thị trường thực hiện với các Hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp nhằm nối dài cánh tay của lực lượng quản lý thị trường trong cuộc chiến với vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…, bảo vệ thương hiệu, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam.

[Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng]

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường cho hay chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ và chưa thấy hồi kết, khi mà hiện nay vấn nạn này càng trở nên nhức nhối. 

Theo đó, thời gian qua, Tổng cục Quản lý Thị trường đã liên tục thực hiện các đợt tổng tấn công, đánh vào tận hang ổ, xào huyệt, truy quét, thu giữ nhiều triệu sản phẩm vi phạm thuộc nhiều lĩnh vực, ngành hàng, trong đó có mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy…

Nói thêm về lĩnh vực này, ông Trần Hữu Linh cho biết xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển trong đó có Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2022, số lượng xe máy bán ra tại thị trường Việt Nam đã lên đến con số hơn 3 triệu xe đã cho thấy, trong tương lai, xe máy vẫn tiếp tục là phương tiện chủ đạo, phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng của thị trường là vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi, việc bảo đảm các yêu cầu về mặt chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ an toàn của xe máy cũng trở nên cấp thiết. Tình trạng phụ tùng xe máy bị giả mạo nhãn hiệu tại Việt Nam cũng cũng trở nên phổ biến.

Hợp tác chống hàng giả mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy ảnh 2Sau lễ ký kết, hai bên sẽ lên chương trình, kế hoạch chi tiết nhằm cụ thể hoá các mục tiêu theo nội dung bản thỏa thuận để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cùng với đó, hiện tượng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài để đưa ra thị trường tiêu thụ cũng là một thách thức đối với các cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, những dòng xe nhái, giả nhãn hiệu có giá thành thấp nhưng không có các tiêu chuẩn hợp quy do Cục Đăng kiểm cấp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng khi lưu hành và gây mất an toàn giao thông.

Thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn giao thông do phụ tùng nhái, giả, không bảo đảm chất lượng an toàn, dẫn đến cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp… gây tổn thất lớn cho sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Bản thân các nhà sản xuất chính hãng cũng thiệt hại, giảm sút thị phần và lợi nhuận kinh doanh cũng như uy tín.

“Điều này một lần cho thấy việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng xe máy trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, nhằm bảo vệ an toàn, tính mạng cho người tiêu dùng,” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 384 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 200.000 USD. Các hành vi chủ yếu là vi phạm kinh doanh, tàng trữ hàng hóa giả mạo, trưng bày để bán tem mang nhãn hiệu giả mạo nhãn hiệu HONDA và YAMAHA đang được bảo hộ tại việt Nam.

Từ kết quả đã đạt được trong những đợt truy quét vừa qua, ông Trần Hữu Linh một lần nữa nhấn mạnh, muốn đẩy lùi nạn hàng giả cần tập trung hoàn thiện về mặt thể chế, chế tài, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tăng cường công tác vận động bởi hàng giả hiện nay ở cả hai chiều cung và cầu. Tiếp đến là đẩy mạnh công tác thông tin.

“Thông qua thỏa thuận hợp tác này, hai bên sẽ hiện thực hoá bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm liên quan đến mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy,” ông Trần Hữu Linh nói.

Hợp tác chống hàng giả mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy ảnh 3Lực lượng chức năng của Hà Nội tiêu hủy phụ tùng xe gắn máy vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía hiệp hội, ông Koji Sugita, Chủ tịch VAMM nhấn mạnh biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ là tiền đề quan trọng để hai bên phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong cuộc chiến với vấn nạn hàng giả, hàng nhái mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy, nhằm góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông Koji Sugita hy vọng sau lễ ký kết, hai bên sẽ lên chương trình, kế hoạch chi tiết nhằm cụ thể hóa các mục tiêu theo nội dung bản thoả thuận để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi./.

Theo thỏa thuận, hai bên cùng tiến hành hợp tác để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý các hành vi sản xuất, tàng trữ, trưng bày, vận chuyển, buôn bán hàng hóa là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai bên cùng phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả thông qua việc áp dụng các biện pháp, bao gồm: Kiểm soát thị trường đối với hàng hóa được sản xuất, tàng trữ, trưng bày, vận chuyển, buôn bán có nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp thành viên của VAMM…

Hai bên cũng chia sẻ thông tin liên quan đến công tác đấu tranh chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của lực lượng Quản lý Thị trường toàn quốc và tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp thành viên của VAMM…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.