Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 7 (Hội nghị Cấp cao CLMV 7) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (Hội nghị Cấp cao ACMECS 6) diễn ra tại Myanmar từ ngày 22-23/6, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả hai Hội nghị này.
- Xin Thứ trưởng đánh giá về các kết quả chính của Hội nghị Cấp cao CLMV 7 và Hội nghị Cấp cao ACMECS 6?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao CLMV 7 và Hội nghị Cấp cao ACMECS 6 được tổ chức trong bối cảnh các nước đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), với nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên trong nhiều năm qua; hợp tác trong khuôn khổ hai cơ chế này ngày càng đi vào chiều sâu, đặt trọng tâm vào hiệu quả và thực chất.
Tại các Hội nghị, lãnh đạo của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong các lĩnh vực hợp tác thời gian qua với những thành tựu nổi bật.
Thứ nhất, về kết nối giao thông, Việt Nam và Lào đã chính thức khai trương mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Den Savanh vào tháng 2/2015, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho các thủ tục tại cửa khẩu; Lào và Myanmar đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Hữu nghị qua sông Mekong giữa Lào và Myanmar; các nước cũng đã nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến đường dọc hành lang Đông-Tây và Hành lang phía Nam.
Thứ hai, về phát triển nguồn nhân lực, các nước đánh giá cao việc Việt Nam và Thái Lan cung cấp học bổng cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và đề nghị hai nước tiếp tục triển khai chương trình này.
Thứ ba, về du lịch, các nước đã tổ chức định kỳ các sự kiện xúc tiến và tiếp thị du lịch, triển khai các chương trình du lịch chung nhằm hiện thực hóa ý tưởng “Năm quốc gia, Một điểm đến.”
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, giúp các nước thành viên tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu; tranh thủ cơ hội phát triển mới mà AEC và các hiệp định thương mại tự do mang lại, trên cơ sở này thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Theo đó, các nước sẽ tiếp tục thúc đẩy, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, vận chuyển lao động và hàng hóa qua biên giới; khuyến khích đầu tư vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng; phát huy tối đa tiềm năng của các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam; xây dựng tiểu vùng thành một điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.
Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong quá trình chuẩn bị và phối hợp với nước chủ nhà Myanmar xây dựng các văn kiện cho các Hội nghị Cấp cao CLMV và ACMECS lần này.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một số đề xuất quan trọng về nâng cao hiệu quả hợp tác, mở rộng không gian phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nước thành viên và được Hội nghị đánh giá cao.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo kế hoạch của Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức một diễn đàn đối thoại kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mekong bên lề hai Hội nghị Cấp cao CLMV và ACMECS năm 2016.
- Xin Thứ trưởng cho biết các Hội nghị Cấp cao này đã có ý nghĩa như thế nào đối với việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao CLMV 7 và Hội nghị Cấp cao ACMECS 6 cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao các nước khẳng định quyết tâm chính trị trong phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, củng cố và phát triển hơn nữa tình đoàn kết, quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống.
Các Hội nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và kết nối về kinh tế, giao thông vận tải, du lịch không chỉ trong khuôn khổ nhiều bên mà còn trong khuôn khổ song phương giữa các thành viên, từ đó tạo môi trường tăng cường mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực giữa Việt Nam với từng nước thành viên của CLMV và ACMECS.
Đặc biệt, các nước đều đánh giá cao và nhất trí sẽ nhân rộng mô hình “một cửa, một lần dừng” đã được áp dụng hiệu quả giữa Việt Nam và Lào. Sự thành công của mô hình này sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam với các nước.
Lĩnh vực nông nghiệp - một trong những thế mạnh của Việt Nam, cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nước thành viên CLMV và ACMECS trong định hướng phát triển các hoạt động hợp tác song phương với Việt Nam.
Vai trò của Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cũng được coi trọng và đánh giá cao, tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với các nước.
Cùng ngày, bên lề hai Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Myanmar U Thein Sein, trao đổi về các biện pháp củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Myanmar trong bối cảnh hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Myanmar (28/5/1975-28/5/2015).
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, dầu khí, tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại và đầu tư, góp phần thiết thực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar trong 12 lĩnh vực ưu tiên đã được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam-Myanmar ký tháng 4/2010.
Hội nghị Cấp cao CLMV 7 và Hội nghị Cấp cao ACMECS 6 cùng với các hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã góp phần thúc đẩy tích cực và cụ thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với bốn nước Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan./.