Chuyên trang phân tích tình hình thời sự quốc tế của Trung tâm Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) số ra mới đây đăng bài viết nhận định rằng các biện pháp trừng phạt quy mô lớn chống Nga của phương Tây chắc chắn khiến Moskva đặt ra nhu cầu làm sâu sắc và mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trong một số lĩnh vực, đối với Nga, hợp tác với Trung Quốc không có lựa chọn thay thế hoặc tối ưu nhất. Mối quan hệ hợp tác này được ủng hộ bởi quan hệ chính trị cấp cao chưa từng có, từ đó thiết lập nên nền tảng đối tác kinh tế, nhu cầu khách quan của Nga đối với hàng hóa và công nghệ Trung Quốc và lợi ích của Trung Quốc đối với thị trường Nga đang bị bỏ trống.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đang thể hiện rõ vai trò. Đồng thời, Nga nên chuẩn bị cho một thực tế là quá trình gắn kết kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thứ cấp đối với các công ty Trung Quốc cần được chú ý tới. Trung Quốc đang hội nhập ở mức độ cao vào nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ mất thị trường tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hoặc các quốc gia khác do các biện pháp hạn chế là yếu tố nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải thận trọng trong quan hệ với Nga.
Để làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Trung Quốc sau ngày 24/2 vừa qua, Nga phải xác định các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Nga cần thay thế hàng hóa nhập khẩu của phương Tây trên thị trường của mình, nguồn cung của các mặt hàng này đã bị ngừng lại do các lệnh trừng phạt thương mại của nước ngoài hoặc tẩy chay. Điều này đặc biệt đúng đối với hàng hóa công nghệ cao và thiết bị công nghiệp; trong số đó có thiết bị điện tử, thiết bị lọc dầu, các loại máy công cụ, máy móc và các phụ kiện.
Ngành công nghiệp Trung Quốc là đa dạng nhất trong số các quốc gia thân thiện với Nga và có khả năng là nguồn cung cấp các sản phẩm này và trong dài hạn là cơ sở để tạo ra các chuỗi giá trị phức tạp hơn.
Thứ hai, Nga cần thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của mình, những loại hàng hóa đã bị loại khỏi thị trường EU, Mỹ và các nước khác, như dầu mỏ, than đá, các sản phẩm luyện kim… Mặc dù Trung Quốc không có khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng hàng xuất khẩu này nhưng vai trò của thị trường Trung Quốc sẽ mang yếu tố then chốt.
Thứ ba, Nga cần một cơ chế hiệu quả cho các giao dịch tài chính với các đối tác nước ngoài. Nhiệm vụ tối thiểu là xây dựng các cơ chế tài chính đáng tin cậy cho thương mại song phương. Một nhiệm vụ phức tạp hơn là sử dụng đồng Nhân dân tệ cho các giao dịch với các nước thứ ba. Cả hai nhiệm vụ đều khó hoàn thành, nhưng có ý nghĩa sống còn đối với quan hệ đối tác với Trung Quốc trong điều kiện mới.
[Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục]
Trung Quốc có thể quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Nga do các điều kiện sau. Thứ nhất, các lệnh trừng phạt làm bỏ trống các thị trường ngách đáng kể trên thị trường Nga. Trước đây, các thị trường ngách này rất khó bị chiếm do mối quan hệ đã được thiết lập giữa Nga với các đối tác phương Tây.
Hiện nay, thị trường Nga bị bỏ trống một cách nhanh chóng do các lệnh trừng phạt chính thức và tẩy chay không chính thức của các doanh nghiệp. Tất nhiên, thị trường Nga không thể so sánh với thị trường Mỹ và EU. Thị trường Nga sẽ bị thu hẹp do suy thoái kinh tế không thể tránh khỏi từ các áp lực kinh tế cực đoan gây ra. Nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, thị trường nội địa vẫn mang đến những cơ hội mới cho các công ty Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc có cơ hội mua một lượng lớn nguyên liệu thô của Nga với mức giá chiết khấu. Nga sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu thô cho nền kinh tế Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc có thể từng bước củng cố vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế lớn. Nếu đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chủ chốt trong giao dịch quốc tế đối với Nga, thì chắc chắn vai trò này của Trung Quốc sẽ tăng lên.
Có một số yếu tố sẽ góp phần vào sự phát triển hợp tác Nga-Trung Quốc. Trước hết, cần lưu ý rằng khối lượng các quan hệ kinh tế thương mại Nga-Trung Quốc đã được tích lũy và tạo thành một cơ sở vững chắc để phát triển hơn nữa.
Môi trường chính trị cũng rất quan trọng. Nếu trong quan hệ với EU và các nước phương Tây khác, thương mại đôi bên cùng có lợi chịu sức ép ngày càng lớn của các yếu tố chính trị trong một thập kỷ rưỡi vừa qua, trong quan hệ với Trung Quốc, các điều kiện chính trị đã được cải thiện suốt trong những năm qua.
Mối quan hệ chính trị này tự bản thân nó không đảm bảo sự đột phá trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, nhưng lại là một nền tảng vững chắc. Do đó, chính trị đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ quan hệ giữa Nga và phương Tây trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Bối cảnh rộng lớn hơn của quan hệ Nga-Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng. Những luận điệu Trung Quốc chống của Mỹ đã trở nên bớt gay gắt hơn so với thời Tổng thống Donald Trump. Những mâu thuẫn chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa biến mất.
Bắc Kinh và Washington là đối thủ chiến lược. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây đang tạo ra cơ hội để Trung Quốc củng cố vị thế của mình thông qua quan hệ đối tác sâu rộng hơn với Nga. Sự suy giảm của nền kinh tế Nga không có lợi cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn. Thứ nhất, liên quan đến đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang trải qua làn sóng đại dịch mới. Chính quyền Trung Quốc buộc phải duy trì mức độ hạn chế cao, bao gồm cả những hạn chế liên quan đến các liên hệ kinh doanh. Không sớm thì muộn, dịch bệnh sẽ không còn là yếu tố cản trở, nhưng nó ngăn cản sự phát triển hợp tác ngay lập tức vì điều này đòi hỏi sự tiếp xúc sâu rộng của con người.
Khó khăn thứ 2 nghiêm trọng hơn. Doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại các biện pháp trừng phạt thứ cấp, cũng như sợ bị chính quyền Mỹ truy tố hành chính và hình sự nếu vi phạm cơ chế trừng phạt của Mỹ, cũng như các biện pháp hạn chế của các nước khác.
Tình hình này có thể nảy sinh, chẳng hạn, trong trường hợp các công ty Trung Quốc thỏa thuận với các đối tác Nga nằm trong danh sách trừng phạt thanh toán bằng đồng USD hoặc đồng euro. Một kịch bản khác là việc cung cấp cho Nga hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc theo giấy phép của Mỹ và nằm trong sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ (ví dụ như hàng điện tử).
Việc các nhà chức trách Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc ZTE rõ ràng đã có tác động tâm lý nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc ZTE cung cấp thiết bị gồm các linh kiện của Mỹ cho Iran mà không được phép và bỏ qua cơ chế kiểm soát xuất khẩu. Do đó, ZTE cam kết sẽ trả hơn 1 tỷ USD tiền phạt cho một số cơ quan chính phủ Mỹ. Nỗ lực truy tố Giám đốc Tài chính Huawei của chính quyền Mỹ cũng có các tác động tương tự.
Tương tự như vậy, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã ra lệnh trừng phạt Công ty Cosco của Trung Quốc với cáo buộc vận chuyển dầu của Iran (tuy nhiên, công ty đã có thể nhanh chóng thoát khỏi các lệnh trừng phạt hành chính). Rủi ro từ các lệnh trừng phạt thứ cấp và các biện pháp cưỡng chế đang buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải đánh giá kỹ lưỡng các phương án hợp tác với Nga.
Tuy nhiên, chỉ riêng các biện pháp trừng phạt thứ cấp và các biện pháp cưỡng chế khó có thể ngăn cản sự phát triển của quan hệ thương mại Nga-Trung Quốc trong điều kiện mới. Việc kiểm soát xuất khẩu của nước ngoài không áp dụng đối với hàng hóa mà Trung Quốc sản xuất bằng công nghệ của chính họ. Và ngày càng có nhiều sản phẩm như vậy.
Các biện pháp trừng phạt tài chính khó có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc trong trường hợp giao dịch bằng đồng nhân dân tệ vì nằm ngoài ranh giới của hệ thống tài chính Mỹ. Nghĩa là, giao dịch bằng tiền tệ quốc gia sẽ giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang tích cực hiện đại hóa luật pháp của họ nhằm bảo vệ các công ty Trung Quốc khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Chắc chắn những rủi ro về các biện pháp trừng phạt thứ cấp và cưỡng chế sẽ là đáng kể trong trung hạn. Doanh nghiệp Nga nên thông cảm với sự thận trọng của các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động dựa trên cơ chế tài chính để thỏa thuận với nhau và phát triển các thị trường ngách không liên quan đến công nghệ phương Tây sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn trong dài hạn.
Một yếu tố quan trọng để hợp tác hơn nữa là kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa và luật pháp Trung Quốc. Việc thiếu những kỹ năng này sẽ cản trở các doanh nghiệp Nga tìm kiếm thị trường ở Trung Quốc, thu hút các khoản đầu tư và nhà cung cấp Trung Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán hiệu quả.
Về phần mình, các doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga đang nhanh chóng nắm bắt tiếng Nga. Thoạt nhìn, sự phát triển năng lực văn hóa chỉ là thứ yếu so với cơ sở hạ tầng tài chính, hành lang giao thông và các điều kiện khác. Tuy nhiên, nếu không có các yếu tố này sẽ khó có thể hy vọng vào sự phát triển đầy đủ của quan hệ giữa hai nước trong nhiều thập kỷ tới./.