Hợp tác năng lượng là “xương sống” trong quan hệ Nga-Trung Quốc

Tại cuộc họp bàn về hợp tác năng lượng, Trung Quốc và Nga sẽ thảo thuận tất cả các vấn đề trọng tâm mà hai bên cùng quan tâm, như thực hiện các dự án về dầu khí, điện, năng lượng hạt nhân, than.
Hợp tác năng lượng là “xương sống” trong quan hệ Nga-Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Hợp tác năng lượng đã trở thành trụ cột trong quan hệ đối tác kinh tế giữa Liên bang Nga và Trung Quốc, trong khi sự "tương tác" song phương dự kiến sẽ được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác kinh tế Nga​-Trung sẽ tiếp tục tăng đều đặn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, ông Dvorkovich nói: “Trung Quốc vừa là đối tác chính trị nước ngoài quan trọng và vừa là đối tác thương mại chính của Nga."

Ông Dvorkovich cho rằng hợp tác song phương sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong chuyến thăm Nga của Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ trong hai ngày 30-31/5, để tham dự cuộc họp lần thứ 13 của Ủy ban Hợp tác Năng lượng Nga -Trung Quốc và diễn đàn về doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung-Nga lần thứ hai.

Theo ông Dvorkovich, tại cuộc họp bàn về hợp tác năng lượng, Trung Quốc và Nga sẽ thảo thuận tất cả các vấn đề trọng tâm mà hai bên cùng quan tâm, như thực hiện các dự án về dầu khí, điện, năng lượng hạt nhân, than và một vài lĩnh vực khác.

Konstantin Simonov, Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng quốc có trụ sở tại Moskva, lưu ý rằng vấn đề cung cấp khí đốt thông qua các tuyến đường phía Tây sẽ được bàn thảo trong các cuộc họp, nhất là những vấn đề tồn đọng như giá cung ứng và vị trí tuyến đường. Ông Simonov cho hay giá cung ứng sẽ đắt hơn nếu Trung Quốc dùng tuyến trung chuyển khí đốt phía Tây để cung cấp khí đốt cho các khu vực phía Đông của họ.

Hồi tháng 5/2014, Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận kéo dài 30 năm về khí đốt tự nhiên, sử dụng tuyến đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” ở phía Đông, dự kiến cung cấp 38 tỷ m3/năm từ năm 2018.

Số liệu thống kê do Tổng Cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy Nga là nước cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Trung Quốc trong năm 2015, với khối lượng 42,43 triệu tấn, tăng 28% so với năm 2014, khi Trung Quốc vượt Đức trở thành nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.