Hợp tác phát triển toàn diện nông nghiệp Việt-Nhật lần thứ nhất

Hội nghị cấp cao Đối thoại hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất sẽ thống nhất đề cương để hai bên cùng hợp tác xây dựng được tầm nhìn trung và dài hạn cho phát triển nông nghiệp Việt Nam

Chiều nay (ngày 26/6), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cùng tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp cao Việt Nam-Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, Hội nghị cấp cao Đối thoại hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất sẽ thống nhất đề cương để hai bên cùng hợp tác xây dựng được tầm nhìn trung và dài hạn cho phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách toàn diện, trên cơ sở đó sẽ xây dựng các hoạt động cụ thể cho giai đoạn 2015-2019 và giai đoạn sau đó ở Việt Nam.

Trong hợp tác nông nghiệp, hai bên sẽ tập trung nhiều vào hợp tác khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, chế biến và bảo quản sau thu hoạch, hợp tác và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lương thực và thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản lưu thông phân phối sản phẩm.

Hợp tác phát triển toàn diện nông nghiệp Việt-Nhật lần thứ nhất ảnh 1Việt Nam và Nhật Bản hợp tác phát triển ngành nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, sự kiện này khẳng định sự tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, với sự tham gia của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, các doanh nghiệp hai bên với hình thức hợp tác đa dạng giữa chính phủ với chính phủ, hợp tác công tư (PPP), đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện theo hướng hiện đại.

“Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có quá trình lịch sử lâu dài. Trong nhiều năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính phủ Nhật Bản thông qua nhiều chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án vay vốn ưu đãi, hợp tác nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư hiệu quả tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp,” Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

Bên cạnh đó, hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản còn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo hai Chính phủ và các Bộ ngành hai nước, vì vậy mà hợp tác trong nông nghiệp giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam và Chủ tịch nước Việt Nam đến Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đánh giá cao sự nỗ lực của các bên và xin chân thành cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam, Bộ Nông Lâm ngư nghiêp Nhật Bản (MAFF), JICA và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan của chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, đã và đang hiện thực hóa những ý tưởng thành các hành động cụ thể nhằm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam một cách toàn diện và bền vững theo hướng hiện đại hóa.

Bộ Trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản Hayashy Yoshimasa, cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện cũng rất quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam và mong muốn hợp tác phát triển thị trường cũng như hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Bộ trưởng Hayashy Yoshimasa bày tỏ mong muốn, buổi làm việc này sẽ mang lại hiệu quả để hai bên xây dựng tầm nhìn trung và dài hạn xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và thủy sản hướng đến toàn cầu trong thời gian tới gắn với mục đích mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.