Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự hợp tác nông nghiệp Việt Nam với các nước phát triển đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt là hợp tác toàn diện với Nhật Bản để cùng hướng tới một mục tiêu chung, đó là tạo ra nhiều ra sản phẩm nông nghiệp với quy trình sản xuất an toàn, cho năng suất và hiệu quả cao, chất lượng tốt, mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho người nông dân.
Hợp tác nông nghiệp giữa tỉnh Ibaraki, Nhật Bản với các tỉnh của Việt Nam, trước mắt là một số tỉnh trọng điểm, đặc trưng cho các vùng miền sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có tính lan tỏa sang các tỉnh khác của Nhật Bản và Việt Nam.
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại buổi Hội đàm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh của Việt Nam với chính quyền tỉnh Ibaraki do Bộ này vừa tổ chức sáng nay (6/10), tại Hà Nội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, sự hợp tác khởi đầu này chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ với sự quan tâm của hai nước từ cấp Trung ương đến cấp địa phương nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam theo định hướng tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam đã được lãnh đạo chính phủ hai nước quan tâm.
Trong giai đoạn tới, các nội dung chính mà hai bên hướng tới hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm: Hợp tác xây dựng các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tập trung vào gạo, rau củ quả và một số nông sản khác.
Hợp tác trong việc lai tạo các giống lúa trong nước, sản xuất thịt như bò, lợn, gà và cá tại Việt Nam; ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và hợp tác hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao.
Đặc biệt, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản bao gồm các sản phẩm lúa gạo, rau quả và thủy sản. Cùng với đó, là sự hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đồng thời xây dựng và tăng cường các hiệp hội nông nghiệp địa phương.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chia sẻ thêm, Việt Nam có nhiều thế mạnh về mặt hàng nông sản như lúa gạo, càphê, hạt tiêu… nhưng việc xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị chưa cao. Vì thế, Bộ trưởng hi vọng với những công nghệ tiên tiến của nước bạn sẽ góp phần tích cực để giải quyết vấn đề này.
Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng xem xét đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây dựng trung tâm nghiên cứu tiên tiến về lúa gắn với các hoạt động nghiên cứu của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; hình thành một khu nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình Khu nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội hoặc một tỉnh lân cận Hà Nội.
Mặt khác, Bộ sẽ lên kế hoạch xây dựng hệ thống hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình liên minh hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản nhằm tăng cường liên minh giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các công ty thương mại, phân phối nông sản thực phẩm đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất các sản phẩm thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Hội đàm ngài Hashimoto Masaru, Thống đốc tỉnh Ibaraki cũng cho rằng, các tỉnh của Việt Nam và tỉnh Ibaraki, Nhật Bản còn nhiều tiềm năng và thế mạnh để bổ sung cho nhau trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Phía Nhật Bản cũng mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nội dung mà hai bên đã thống nhất cũng như thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại có hiệu quả giữa các doanh nghiệp hai bên,” ngài Hashimoto Masaru bày tỏ quan điểm./.