HSBC: Hoạt động sản xuất Trung Quốc chưa có dấu hiệu khởi sắc

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng Năm vẫn yếu, với Chỉ số Quản lý nhà mua hàng (PMI) dù đã tăng lên 49,1 điểm so với mức 48,9 điểm của tháng trước.
HSBC: Hoạt động sản xuất Trung Quốc chưa có dấu hiệu khởi sắc ảnh 1Tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bắc kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát của ngân hàng HSBC ngày 21/5, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng Năm vẫn yếu, với Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) dù đã tăng lên 49,1 điểm so với mức 48,9 điểm của tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn mức dự đoán trước đó là 49,3 điểm của nhóm chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò do hãng tin Anh Reuters tiến hành.

Kết quả này đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp PMI của Trung Quốc nằm dưới ngưỡng 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Nhận định toàn cảnh về tình hình sản xuất của Trung Quốc, bà Annabel Fiddes - chuyên gia kinh tế tại Markit, cho biết nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ tại cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài đều suy yếu, khiến các công ty liên tục cắt giảm việc làm và sản xuất, từ đó có thể sẽ cản trở đà tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo ít nhất là trong ngắn hạn. Trong bối cảnh này, cộng thêm với sức ép giảm phát vẫn đang khá lớn, Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tung thêm thêm các biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng.

Trước đó, trong nỗ lực khôi phục "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp như tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất kể từ tháng 11/2014 và hai lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) nhằm thúc đẩy cho vay.

Gần đây nhất, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 18/5 cũng đã thông qua dự án xây dựng sáu hệ thống đường sắt với tổng giá trị khoảng 250 tỷ nhân dân tệ (40,8 tỷ USD) nhằm kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

GDP của Trung Quốc năm ngoái đạt 7,4% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990, sau đó giảm còn 7% trong quý 1 năm nay – con số tính theo quý thấp nhất trong sáu năm trở lại đây. Tình trạng kém khả quan này có lẽ sẽ còn kéo dài sang quý 2 khi các số liệu về hoạt động sản xuất của Trung Quốc như sản lượng thương mại và công nghiệp trong tháng Tư thấp hơn dự đoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.