Ngày 13/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương nước này tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ bán chi nhánh của Silicon Valley Bank (SVB) tại Anh cho ngân hàng HSBC.
Trong tuyên bố, ông Hunt lưu ý động thái trên giúp bảo vệ tiền gửi của khách hàng tại chi nhánh SVB Anh và ngân hàng có thể hoạt động bình thường mà không cần sự hỗ trợ của những người đóng thuế.
Theo ông Hunt, HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu, theo đó khách hàng của SVB Anh có thể cảm giác an tâm về năng lực, sự an toàn và an ninh của tổ chức tài chính này.
Cùng ngày, đại diện HSBC xác nhận ngân hàng đã đồng ý mua chi nhánh SVB tại Anh với giá tượng trưng 1 bảng Anh (1,21 USD). Tài sản và nợ phải trả của công ty mẹ của SVB tại Anh không bao gồm trong giao dịch này.
Theo HSBC, tính đến ngày 10/3, SVB Anh cho vay tổng cộng khoảng 5,5 tỷ bảng Anh và có lượng tiền gửi khoảng 6,7 tỷ bảng, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 88 triệu bảng.
[Liệu có xảy ra hiệu ứng domino từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank?]
Hôm 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản.
Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
SVB Anh có 3.300 khách hàng ở Anh, trong đó có các công ty mới thành lập, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Do ngân hàng này chủ yếu phục vụ các công ty khởi nghiệp, hơn 250 lãnh đạo công ty công nghệ của Anh cảnh báo việc SVB tại Mỹ phá sản sẽ giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực này.
Trong khi đó, Thủ tướng Rishi Sunak nhắc lại khẳng định của Ngân hàng trung ương Anh rằng sự sụp đổ của SVB Anh không gây ra “rủi ro lây lan hệ thống.”
Ông Sunak nhấn mạnh chính phủ Anh đang nỗ lực để tìm giải pháp đảm bảo thanh khoản và tiền mặt hoạt động của doanh nghiệp./.