Nhân Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra vào đầu tháng 11, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đỗ Tiến Sỹ - Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên trước ngày khai mạc.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin đồng chí cho biết những những điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ vừa qua?
Ông Đỗ Tiến Sỹ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, nhiệm kỳ qua Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã tập trung trí tuệ, đề ra được những chủ trương, giải pháp đúng, đồng bộ, sát thực tiễn, hợp lòng dân. Do vậy, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh đã khởi sắc với những điểm nhấn nổi bật.
Trong 5 năm qua, tỉnh duy trì được sự phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,8%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 40 triệu đồng (gấp đôi năm 2010).
Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng tăng nhanh cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đã chuyển đổi trên 6.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây con cho hiệu quả cao, giá trị canh tác đạt 150 triệu đồng năm 2015; có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 9,87%; riêng kim ngạch xuất khẩu tăng 33,27%/năm. Thu ngân sách tăng bình quân 17%/năm, đạt 8.000 tỷ đồng năm 2015, vượt 2.000 tỷ so với chỉ tiêu Đại hội XVII đề ra.
Hưng Yên đã ban hành nhiều chủ trương có tính bước ngoặt và quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đó là đề xuất với Trung ương để xây dựng các tuyến đường trọng điểm của tỉnh như đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên, đê tả sông Hồng, nâng cấp Quốc lộ 38B, Tỉnh lộ 200... Xây dựng thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại 2, Mỹ Hào được công nhận là đô thị loại 4 và đang trình công nhận thị xã.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm chăm lo, có nhiều khởi sắc: Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; thu hút được nhiều trường đại học đầu tư xây dựng tại Khu Đại học Phố Hiến và Khu đô thị Ecopark.
Sự nghiệp giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ; các chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.
- Hưng Yên chọn những bước đi mang tính chiến lược cho chặng đường mới như thế nào để tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của vùng trọng điểm kinh tế đồng bằng Bắc Bộ, phát huy truyền thống của quê hương Phố Hiến?
Ông Đỗ Tiến Sỹ: Hưng Yên thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và vùng động lực phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, gần các sân bay và cảng biển lớn; có hệ thống giao thông đa dạng về đường sắt, đường bộ, đường sông, được kết nối ngày càng thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác.
Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, có đất đai màu mỡ, vẫn còn tiềm năng về đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị; trong những năm qua, Hưng Yên đã hình thành được một số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; có cơ cấu kinh tế ngày càng phù hợp...
Phương hướng và mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhiệm kỳ tới là tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; chú trọng phát triển văn hóa-xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng cơ bản để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên xác định nhiệm vụ chiến lược thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đổi mới công tác cán bộ; tập trung thực hiện ba khâu đột phá. Đó là: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông; trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ giữa các cấp và luân chuyển ở các ngành trong cùng cấp.
Xác định xây dựng và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh chú trọng chăm lo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và những nét riêng của địa phương, xây dựng, bổ sung các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của vùng đất đã từng nổi danh là “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến,” của quê hương Hưng Yên văn hiến, cách mạng.
- Được xác định là một trong ba khâu đột phá, công tác cán bộ sẽ được đổi mới ra sao, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện?
Ông Đỗ Tiến Sỹ: Cán bộ là gốc của mọi công việc nên Hưng Yên sẽ tập trung cao độ vào nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu.
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện công tác cán bộ phải thực hiện nhất quán và nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo khách quan, công tâm vì lợi ích chung.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tỉnh thực hiện công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển giữa các cấp và ở các ngành trong cùng cấp; tăng cường luân chuyển các Tỉnh ủy viên, trưởng các sở, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh về làm thường trực các huyện, thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong diện quy hoạch cấp ủy tỉnh về làm lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp huyện; thực hiện luân chuyển, điều động một số cán bộ cấp trưởng phòng và tương đương trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về các huyện, thành phố với chức danh phù hợp, để đào tạo và rèn luyện, thử thách qua thực tiễn.
Trên tinh thần đó, công tác luân chuyển cán bộ phải trở thành nhận thức chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các cán bộ nằm trong quy hoạch được luân chuyển; tạo động lực làm việc tốt hơn cho cán bộ.
Người được luân chuyển có cơ hội thể hiện khả năng của mình trên cương vị công tác được giao, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng đảng viên, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, chú trọng hướng dẫn, đôn đốc thành lập và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, nhất là khu vực nông thôn và trong các doanh nghiệp.
Phấn đấu hàng năm, số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh trên 50%, kết nạp mới 1.600 đảng viên.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy và chúc Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII thành công tốt đẹp!