Hưng Yên thu hút thêm 544,29 triệu USD đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm

Trong các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư vào Hưng Yên thì Nhật Bản có 176 dự án, với vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều khởi sắc.

Tính đến ngày 20/6, tỉnh Hưng Yên có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD; trong đó từ đầu năm đến nay, có 32 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 544,29 triệu USD. Đây là thông tin được ông Đào Trọng Truyến, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Hưng Yên 6 tháng đầu năm 2024, tổ chức chiều 27/6.

Ông Đào Trọng Truyến cho biết thêm các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là Nhật Bản có 176 dự án, với vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 154 dự án, với vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 151 dự án, với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52% tổng số vốn đăng ký...

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 21.445 tỷ đồng, tăng 39,83% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65,34% kế hoạch năm.

Theo ông Đào Trọng Truyến, tỉnh Hưng Yên luôn duy trì mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý 1/2024 tăng 6,31%, quý 2/2024 ước tăng 7,27%).

Trong số đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,7% (đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); công nghiệp và xây dựng tăng 8,6% (đóng góp 5,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); khu vực thương mại, dịch vụ tăng 3,06% (đóng góp 0,73 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,84% (đóng góp 0,63 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh).

Nổi bật, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, cụ thể, thu nội địa 19.300 tỷ đồng, tăng 41,35% và đạt 66,27% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 2.145 tỷ đồng, tăng 27,51% và đạt 57,98% kế hoạch.

Đáng chú ý, một số khoản thu nội địa so với cùng kỳ năm trước tăng như thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 118 tỷ đồng, tăng 27,73%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.730 tỷ đồng, tăng 16,57%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 7.500 tỷ đồng, tăng 0,23%; thu phí, lệ phí 365 tỷ đồng, tăng 39,63%; thuế thu nhập cá nhân 980 tỷ đồng, tăng 30,33%; các khoản thu về đất 7.964 tỷ đồng, tăng 156,05%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp và xây dựng có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khá, một số ngành có mức tăng trưởng tốt và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh như: sản xuất kim loại tăng 8,48%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 23,7%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 35,73%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,93%; sản xuất xe có động cơ, rơ moóc tăng 11,48%.

Tuy nhiên, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, mang tính đặc thù của tỉnh do cắt giảm đơn hàng nên giảm so với cùng kỳ năm trước như sản xuất chế biến thực phẩm (thức ăn gia súc, gia cầm...) giảm 5,74%; sản xuất da và các sản phẩm từ da (giày, dép...) giảm 12,38%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim (gạch, bêtông,...) giảm 4,78%.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.