Hungary hưởng cơ chế ưu đãi trong thỏa thuận khí đốt với Nga

Trong cuộc đàm phán mới nhất về năng lượng với Nga, Hungary sẽ được phép “trả chậm khoản tiền cao hơn giới hạn đã được xác định trong trường hợp giá khí đốt tăng đáng kể.”
Hungary hưởng cơ chế ưu đãi trong thỏa thuận khí đốt với Nga ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn dầu Druzhba nối giữa Hungary và Nga gần Szazhalombatta, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/4, sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ kinh tế đối ngoại Hungary, ông Peter Szijjarto cho hay Hungary đã gia hạn thỏa thuận với Nga về nguồn cung khí đốt bổ sung và nhất trí về cơ chế thanh toán ưu đãi cho khối lượng nhiên liệu chính nhận được từ Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn lời ông Szijjarto nhấn mạnh khoảng 80-85% nguồn cung khí đốt cho Hungary được thực hiện trực tiếp từ Nga, do đó, tính liên tục và không gián đoạn có tầm quan trọng cơ bản và quyết định.

Ông Szijjarto lưu ý, năm ngoái các bên đã ký một thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt bổ sung cho Hungary vượt quá khối lượng được quy định trong các hợp đồng dài hạn.

[Chính phủ Hungary và Nga thảo luận về hợp tác năng lượng]

Trong cuộc đàm phán lần này, hai bên đã thống nhất rằng Hungary sẽ có thể được phép “trả chậm khoản tiền cao hơn giới hạn đã được xác định trong trường hợp giá khí đốt tăng đáng kể.”

Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Novak cam kết đảm bảo sự an toàn và ổn định của nguồn cung qua đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện, chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn đang cố gắng duy trì nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga, ngay cả khi các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã ngừng mua năng lượng từ Nga.

Budapest cũng đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks với 2 lò phản ứng mới và việc xây dựng được giao cho Tập đoàn Rosatom của Nga phụ trách/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.