Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo nước này sẽ phải "sử dụng vũ lực" tại biên giới miền Nam giáp với Serbia để bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (EU) nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện lời đe dọa mở cửa cho người tị nạn từ quốc gia này sang các nước vùng Balkan vào châu Âu.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình tư nhân HirTV tối 16/10, ông Orban nói: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép thêm hàng trăm nghìn người di cư (vào châu Âu), chúng tôi sẽ cần sử dụng vũ lực để bảo vệ biên giới của Hungary."
Tuy nhiên, ông cho biết không mong muốn phải dùng đến biện pháp mạnh này.
Theo ông Orban, nếu Ankara chọn cách đưa những người tị nạn Syria vào châu Âu, người di cư sẽ dồn đến biên giới phía Nam của Hungary.
Hiện khoảng 90.000 người tị nạn đi qua đường các nước Balkan vào châu Âu và ông Orban dự báo con số này có thể lên nhanh chóng lên tới 100.000 người với chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ.
[Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa cho phép hàng triệu người tị nạn hướng tới châu Âu]
Thủ tướng Orban, vốn bất hòa với Brussels về một số chính sách ảnh hưởng đến người di cư, cũng cho rằng EU nên cung cấp thêm tiền cho Thổ Nhĩ kỳ giúp tái thiết các thị trấn ở Syria.
Trước đó, ông Orban đã cho xây dựng hàng rào thép tại biên giới của Hungary với Serbia nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ các nước Balkan, nơi hàng trăm nghìn người đã từ Trung Đông đổ về Tây Âu vào thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015.
Theo một thỏa thuận đạt được năm 2016, EU sẽ hỗ trợ kinh phí cũng như đáp ứng một số điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ ngăn người tị nạn Syria vào khối này.
Sau thỏa thuận trên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria, nhưng gần đây Ankara dọa sẽ "mở cửa biên giới" cho họ vào châu Âu nếu EU vẫn giữ thái độ tiêu cực với chiến dịch tấn công người Kurd tại Đông Bắc Syria.
Tổng thống Tayyip Erdogan giải thích chiến dịch này là nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn, theo đó tạo ra một vùng đệm nằm sâu 30-35km bên trong lãnh thổ Syria để tái định cư số người tị nạn trên nếu họ có nguyện vọng trở về nhà.
Tuy nhiên, EU yêu cầu Ankara ngừng ngay chiến dịch này và cảnh báo EU sẽ không chi trả cho bất kỳ "vùng an toàn" nào mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có ý định thành lập.
Trước đó, cùng lo ngại của Hungary, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng số tàu tuần tra hải quân ở biển Aegean sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ cho phép nhiều người di cư vào Hy Lạp./.