Hungary và Slovakia kết nối đường ống dẫn khí đốt

Đoạn đường ống này là một phần trong dự án mang tên Hành lang Bắc-Nam của EU và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015.

Ngày 27/3, Hungary và Slovakia đã kết nối các mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của hai nước, một phần trong nỗ lực chung của Liên minh châu Âu (EU) tăng cường an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Điểm nối hai mạng lưới được đặt tại thành phố Szada của Hungary, cách thủ đô Budapest của nước này 28km về phía Đông Bắc, tạo nên một đường ống dẫn mới dài 111km từ thành phố Vecses của Hungary đến thành phố Zlievce ở Slovakia.

Đoạn đường ống này là một phần trong dự án mang tên Hành lang Bắc-Nam của EU và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015.

Với công suất khoảng 5 tỷ m3/năm, đường ống mới cho phép Hungary nhập khí đốt từ các nguồn khác ở châu Âu, thay vì từ Nga như hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Szada với sự có mặt của người đồng cấp Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ đường ống mới tạo điều kiện để trong tương lai, EU có thể nhập khẩu khí đốt từ bên ngoài, không chỉ từ Nga.

Hai nước dự định thử nghiệm đường ống mới vào tháng Bảy tới.

Ngày 26/3, công ty Eustrem của Slovakia chịu trách nhiệm vận hành đường ống mới cho biết phần đường ống phía bên Slovakia đã được bơm đầy ga để sẵn sàng hoạt động.

Công ty này cũng thông báo trong tương lai, đường ống này sẽ giúp Slovakia tiếp cận bể chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đặt tại Croatia, còn được gọi là hành lang khí đốt phía Nam. Hungary cũng có phương tiện mới để tiếp cận các mạng lưới khí đốt ở Tây Âu.

EU đã tăng cường xây dựng đường ống dẫn mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng sau khi xảy ra vụ tranh cãi giữa Nga và Ukraine hồi năm 2009 về hợp đồng mua bán và trung chuyển khí đốt, dẫn đến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine giữa mùa Đông lạnh giá.

Các nước Trung và Đông Âu, bao gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Ba Lan và Áo, mới đây đã kết nối mạng lưới dẫn khí đốt của họ với nhau. Một đoạn đường ống dẫn nối Ba Lan với Slovakia với công suất 5 tỷ m3/năm sẽ được hoàn tất trong năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.