Hướng đi mới của các hãng hàng không trong đại dịch COVID-19

Trong lịch sử ngành hàng không, chưa bao giờ máy bay chỉ dùng để chở hàng hóa thay vì chở khách trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Hướng đi mới của các hãng hàng không trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay ở Munich, miền nam nước Đức ngày 27/3/2020. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều hãng hàng không phải tạm xoay sang hướng mới để tồn tại, đó là vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách.

Chuyến bay mới đây của hãng Virgin Atlantic tới London (Anh) đầy chặt các khoang hành khách, chỉ có điều đó là các kiện hàng chứ không phải khách như thường lệ.

Đó cũng là một trong 9 chuyến bay chở các trang thiết bị y tế gồm máy thở, khẩu trang, găng tay và các vật dụng y tế khác mà hãng chuyên chở qua lại giữa Thượng Hải (Trung Quốc) và London.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tờ New York Times số ra ngày 25/5 cho biết trong lịch sử hàng không, chưa bao giờ máy bay chỉ dùng để chở hàng như tình trạng xảy ra trong thời đại dịch COVID-19.

Khi hàng nghìn chuyến bay phải hủy thì vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn và giá gửi hàng bằng đường hàng không tăng vọt khiến các hãng buộc phải nghĩ tới chuyển đổi tạm thời các khoang chở khách trống thành khoang chở hàng.

Ông Dominic Kennedy, phụ trách vận chuyển hàng hóa hàng không của hãng Virgin Atlantic, cho biết chuyên chở hàng hiện nay giúp hãng cầm cự với tình hình khó khăn và chờ cơ hội hoạt động trở lại bình thường. Hiện mỗi tuần hãng Virgin bay 90 chuyến chở hàng.

Hãng Virgin không phải là hãng hàng không duy nhất phải tìm cách tồn tại bằng việc duy trì chở hàng trong các khoang máy bay chở khách. Nhiều hãng hàng không ở Mỹ cũng đã triển khai hướng này.

[IATA, ACI kêu gọi cân bằng giữa an toàn hàng không và phục hồi kinh tế]

Một 1 trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ bắt đầu chuyển sang chở hàng kể từ tháng Ba. American Airlines chưa bao giờ thiếu khách đến mức chỉ chở hàng trong suốt hơn 30 năm hoạt động nhưng giờ cũng phải bay 140 chuyến chở hàng mỗi tuần.

Hãng hàng không Lufthansa của Đức cũng nắm bắt cơ hội và chuyển đổi dòng máy bay chở khách Airbus A330 sang chở hàng. Hồi tháng Tư, hãng đã bay nhiều chuyến chở trang thiết bị y tế từ Trung Quốc tới Frankfurt (Đức).

Hàng hóa mà các cá nhân và doanh nghiệp muốn vận chuyển bằng đường hàng không cũng thay đổi tùy theo mùa nhưng phần lớn đó là hàng đắt tiền, dễ hỏng hoặc vừa dễ vỡ và đắt tiền như điện thoại thông minh, phụ tùng ô tô, hải sản, thuốc men, thư tín và hàng thời trang cao cấp.

Thế nhưng phần lớn hàng vận chuyển qua đường hàng không những tháng gần đây chủ yếu là trang thiết bị y tế. 

Trước khi đại dịch xảy ra, khoảng một nửa hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không do các hãng như UPS, FedEx và DHL thầu. Một nửa còn lại là hành lý của khách đi máy bay. Tuy nhiên lúc này không phải thời điểm mọi thứ diễn ra bình thường.

Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hầu hết các chuyến bay bị hủy hồi tháng Ba đã khiến khả năng vận chuyển hàng qua đường hàng không giảm gần 23% trong khi nhu cầu vận chuyển qua đường hàng không chỉ giảm 15%.

Theo số liệu của WorldACD, cơ quan nghiên cứu dữ hiệu vận tải hàng hóa của 70 hãng hàng không, giá trung bình để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là 3,63 USD/1 kg hồi tháng Tư, tăng 65% so với tháng Ba. Đây là mức giá cao nhất và tăng nhanh nhất trong một tháng kể từ năm 2008.

Giá vận tải hàng hóa chuyên chở từ châu Á cũng tăng vọt do nhu cầu về trang thiết bị y tế sản xuất tại các nhà máy tại đây. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi lại thì nhu cầu hàng hóa cũng sẽ giảm nhanh và giá vận chuyển bằng đường hàng không cũng sẽ giảm.

Trước mắt các hãng hàng không vẫn sẽ chở hàng và IATA kêu gọi các chính phủ hỗ trợ ngành hàng không bằng cách đẩy nhanh tiến độ thông quan cho các chuyến bay chở hàng, miễn trừ cách ly cho phi hành đoàn cũng như giúp các hãng tìm kho tạm chứa hàng tại điểm đến và có chỗ cho phi hành đoàn nghỉ tạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.