Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia là vấn đề an ninh năng lượng trong hệ thống điện.
Ở Việt Nam, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng đang tồn tại nhiều bất cập. Vì vậy, xây dựng hệ thống điện an toàn, tin cậy và hiệu quả không chỉ là mục tiêu ngành điện Việt Nam đang hướng đến mà còn đặt ra những vấn đề cần phải tháo gỡ trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới vào quá trình phát triển của ngành.
Mục tiêu số 1 vẫn là đáp ứng đủ "cầu"
Hội Điện lực Việt Nam cho biết sau khi hoàn thành công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất cả nước sớm hơn kế hoạch hai năm, nhà máy thủy điện tiếp theo trên bậc thang sông Đà-Thủy điện Lai Châu với công suất 1.200MW đang trong thời gian thi công nước rút với mục tiêu đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành cuối năm 2015 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nhiệt điện lớn cũng đang được gấp rút triển khai và hoàn thành nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong toàn quốc, đặc biệt cho khu vực miền Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện Năng lượng, cho rằng 20 năm qua, các Quy hoạch điện quốc gia (từ Quy hoạch điện 4 đến Quy hoạch điện 7) do Viện này nghiên cứu, việc quy hoạch phát triển các nhà máy điện cũng như lưới truyền tải luôn có các giải pháp nhằm đảm bảo khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng trên từng miền. Tiến độ xây dựng các nhà máy điện được dự kiến sao cho phù hợp với tăng trưởng nhu cầu phụ tải từng khu vực.
Ông Cường cho biết thêm: “Điều chỉnh Quy hoạch điện 7 mà Viện Năng lượng đang nghiên cứu để cuối năm nay trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ, được dựa trên nguyên tắc điều chỉnh dự báo nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 với mục tiêu giảm dần cường độ tiêu thụ điện, tăng hiệu quả sử dụng điện và hiệu quả đầu tư các công trình điện. Đặc biệt chất lượng điện năng; trong đó vấn đề nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo an ninh hệ thống điện được đặc biệt quan tâm.”
Cùng với sự phát triển của nguồn điện nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, hệ thống điện truyền tải xương sống 500kV liên kết các miền đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp, trao đổi điện năng an toàn và kinh tế.
Vành đai 500kV quanh Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, với xu hướng truyền tải ngày càng lớn cả về công suất và sản lượng thì việc vận hành hệ thống điện 500kV trở nên rất phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định trong quá trình vận hành.
Khai thác hiệu quả nguồn thủy điện vừa và nhỏ
Trong tình hình khan hiếm nguồn năng lượng hiện nay, việc hoạch định chính sách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; trong đó có thủy điện vừa và nhỏ là hết sức cần thiết nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững kinh tế-xã hội các địa phương trong khu vực.
Thống kê của Viện Năng lượng cho thấy, hiện đã có 226 thủy điện nhỏ công suất trên 30MW đang vận hành. Việc phát triển thủy điện nhỏ khá ồ ạt trong thời gian qua đã gây ra một số vấn đề về phá rừng, xói lở đất, biến đổi dòng chảy, làm tăng thêm nguy cơ lũ ống, sạt lở đất, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và dân cư tại các vùng dự án.
Chính phủ đã cho rà soát tổng thể tính hiệu quả, tác động tiêu cực của các dự án thủy điện nhỏ và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 612/2013/QH13 loại bớt 418 dự án với tổng công suất 1.174MW ra khỏi danh mục quy hoạch. Mặc dù vậy, đã có 171 dự án thủy điện nhỏ đang được tiếp tục xây dựng sau rà soát. Dự kiến đến năm 2017 sẽ có thêm 1.000MW hoàn thành đi vào vận hành.
Ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) cho biết phương án đấu nối là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của các thủy điện vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, EVN CPC đã nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn công tác vận hành như thỏa thuận hợp đồng mua bán điện đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước, khuyến khích đầu tư các nhà máy điện, hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư nhà máy và bên mua điện là EVN CPC.
Công tác chuẩn bị sản xuất các nhà máy tuân thủ theo các quy trình, quy định kỹ thuật, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Hàng tuần, xây dựng phương thức huy động tối ưu các nhà máy. Trong phương thức này quy định cụ thể công suất, sản lượng phát theo từng giờ của mỗi ngày.
Cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường điện
Sau hơn hai năm chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (từ 1/7/2012) đến nay, có 51 nhà máy điện do 46 đơn vị đại diện trực tiếp chào giá trên thị trường có tổng công suất đặt 12.478MW, chiếm 41,7% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện.
Bên cạnh đó, có 51 nhà máy điện không trực tiếp chào giá trên thị trường do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động có tổng công suất đặt gần 17.462 MW, chiếm 58,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống; trong đó có 26 nhà máy điện không được tham gia thị trường theo quy định và 25 nhà máy gián tiếp do chưa đủ điều kiện tham gia.
Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Thị trường điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) phân tích, giá thị trường điện được phân biệt theo mùa rõ rệt. Trong đó, mùa mưa giá ở mức thấp, bình quân là 50,4% và 41,6% cho từng giai đoạn.
Đặc biệt một tỷ lệ lớn số giờ giao dịch trong giai đoạn này là giá thị trường điện đạt giá sàn. Về mùa khô giá ở mức cao so với giá trần áp dụng cho từng giai đoạn, bình quân đạt khoảng 85,5% và 83,9% cho từng giai đoạn.
Đánh giá hiệu quả tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong hơn hai năm qua, ông Khoa cho rằng các nhà máy điện khí cả trong và ngoài EVN nhìn chung lợi nhuận tăng so với kế hoạch lý do là các nhà máy này đều nằm ở khu vực phía Nam, khu vực hiện luôn nhận điện cả từ miền Bắc và miền Trung.
Trong khi đó, các nhà máy điện đốt than trong và ngoài EVN lại có lợi nhuận giảm hơn so với kế hoạch; trong đó có Cẩm Phả, Mạo Khê, Hải Phòng, Quảng Ninh và Phả Lại 1 có mức giảm lớn nhất do chủ yếu các nhà máy này có sự cố kéo dài dẫn đến không đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động. Đối với các nhà máy thủy điện thì tăng lợi nhuận lớn do tình hình thủy văn giai đoạn mùa khô 2013-2014 có phần cải thiện.
Tuy vậy, đánh giá của EVN cũng cho thấy để cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường điện cần thiết phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành. Cụ thể như tăng dần số nhà máy tham gia, sửa đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp với thực tế phát sinh như dịch vụ phụ trợ, an ninh hệ thống, đầu tư mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và SCADA/EMS, bổ sung và hoàn thiện các công cụ xử lý nghẽn mạch truyền tải trong vận hành thị trường. Đặc biệt về dài hạn là tiếp tục đầu tư, củng cố lưới điện truyền tải làm tiền đề đưa cạnh tranh vào khâu phát điện.
Minh bạch trong đo đếm điện năng
Hoạt động phân phối và kinh doanh của ngành điện Việt Nam theo hướng thị trường cạnh tranh đang từng bước được hiện đại hóa. Trong đó, hệ thống hạ tầng đo đếm, xử lý thông tin, xuất hóa đơn và thanh toán tiền điện đã có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng điện.
Việc triển khai côngtơ điện tử thay thế cho côngtơ cơ trên lưới điện đạt được hiệu quả cao nhờ cấp chính xác, độ nhạy cao, giảm tổn thất điện năng, dễ ứng dụng công nghệ đọc chỉ số côngtơ từ xa, vừa tăng năng suất lao động, hạn chế tối đa sai sót khi ghi thủ công, vừa giảm thiểu tai nạn lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc sử dụng côngtơ điện tử trong kinh doanh điện, đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, tại các văn bản chỉ đạo của EVN về việc triển khai Đề án Trang bị, quản lý hệ thống đo đếm điện năng phục vụ vận hành thị trường điện và bán điện cho khách hàng, đến cuối năm 2017, các Tổng công ty điện lực có trách nhiệm thực hiện xong việc lắp đặt côngtơ điện tử cho toàn bộ các khách hàng mua điện tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn.
Tại Tổng Công ty Điện lực miền Trung hiện có hơn 3 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng sản lượng điện thương phẩm khoảng 12 tỷ kWh/năm.
Ông Trần Văn Tiến, Ban Kinh doanh, cho biết với hiện trạng này, giai đoạn từ nay đến năm 2017, việc thay thế côngtơ điện tử có chức năng thu thập từ xa số liệu đo đếm sẽ được triển khai chủ yếu đối với khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, các khách hàng 3 giá, các khách hàng sau trạm biến áp công cộng và côngtơ tổng các trạm biến áp công cộng.
Các khách hàng còn lại ở khu vực ngoài thành phố, thị xã, thị tứ sẽ được xem xét đầu tư trong giai đoạn sau nhưng không chậm sau năm 2022.
Trên thực tế, thời gian qua, Tổng công ty đã triển khai sản xuất, lắp đặt, sử dụng côngtơ điện tử và đưa vào hệ thống thu nhập số liệu từ xa côngtơ điện tử đa chức năng để từng bước thực hiện lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm.
"Tuy nhiên, việc thay thế côngtơ cơ khí bằng côngtơ điện tử cần phải có lộ trình do chi phí cao. Điều này cần được EVN cân đối trong kế hoạch tài chính hàng năm," ông Tiến bày tỏ./.