Hải trình đầu tiên của một tàu sân bay là chỉ dấu quan trọng trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm dung hòa các ưu tiên về kinh tế, chính trị và an ninh.
Tại xưởng đóng tàu lịch sử ở Portsmouth, nơi Hải quân Hoàng gia Anh đóng đô, những công tác chuẩn bị cuối cùng cho đợt triển khai đầu tiên của con tàu sân bay mới mang tên Queen Elizabeth đang được tiến hành rầm rộ.
Sâu bên dưới boong của con tàu sân bay Queen Elizabeth, các xe nâng hàng sắp xếp các bó nệm giường và các xe đẩy đầy cà rốt và khoai tây vào kho.
Như một dấu hiệu cho liên minh quốc phòng chặt chẽ giữa Vương quốc Anh với Washington, 250 trong số 1.600 thủy thủ đoàn sẽ là các thành viên của Thủy quân lục chiến Mỹ, những người đã mang lên tàu một chiếc máy làm bỏng ngô.
Đi tìm điểm cân bằng trong mối quan hệ Mỹ-Trung
Dự kiến thực hiện hành trình 26.000 hải lý từ Địa Trung Hải đến Vịnh Aden và đến Biển Philippines, việc triển khai con tàu sân bay Queen Elizabeth nhằm chứng minh rằng nước Anh hậu Brexit vẫn có vị thế quốc tế xứng đáng.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace mô tả con tàu sân bay này là “một tàu chiến, một tàu mẹ, một tàu trinh sát giám sát… và một cỗ máy triển khai sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của nước Anh."
[Chiến lược "Nước Anh toàn cầu" xoay trục theo hướng châu Á]
Việc Queen Elizabeth khởi hành vào cuối tuần này là thời điểm quan trọng trong nỗ lực của Anh nhằm xây dựng một chính sách đối ngoại mới ngoài Liên minh châu Âu (EU), một minh chứng cho hành động cân bằng khó khăn nhưng cần phải có trong việc dung hòa các nhu cầu mới của nước này về kinh tế, chính trị và an ninh.
Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên minh châu Âu (được gọi là Brexit) năm 2016, các bộ trưởng của Vương quốc Anh đã lạc quan nói về việc đàm phán một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh - một trong những thỏa thuận với các nền kinh tế lớn - và lo lắng nhằm đạt được sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) sẽ được tổ chức vào mùa Thu này tại Scotland.
Tuy nhiên, với sự độc lập khỏi Brussels mới có, Chính phủ Anh cũng muốn củng cố mối quan hệ chính trị và quân sự với Mỹ, giữa lúc Washington đang cố gắng cho cái mà nhiều nhà phân tích mô tả là một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.
Việc điều hướng các ưu tiên có tính cạnh tranh này dường như khá khó khăn. Kể từ khi Thủ tướng Boris Johnson từ bỏ “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Trung-Anh, vốn được một chính phủ Bảo thủ trước đây hứa hẹn vào năm 2015, số lượng các nhân vật diều hâu đối với Trung Quốc trong đảng Bảo thủ ngày càng tăng và đang hy vọng rằng ông Johnson sẽ có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trong bản đánh giá an ninh, quốc phòng và chính sách đối ngoại gần đây.
Tuy nhiên, mặc dù tuyên bố Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh có hệ thống” và nhấn mạnh các ưu tiên quốc phòng “nghiêng” sang châu Á, bản đánh giá vẫn cho biết Anh sẽ tìm kiếm “các liên kết thương mại sâu hơn và đầu tư nhiều hơn từ Trung Quốc.”
Nhiều thành viên đảng Bảo thủ hoài nghi Trung Quốc và các chuyên gia an ninh phàn nàn rằng London đang đi không đủ xa trong việc giải quyết những gì họ coi là các mối đe dọa đang ngày càng tăng do Bắc Kinh gây ra.
Họ cho rằng Vương quốc Anh nên thẳng thắn hơn trong việc thiết lập ranh giới với một quốc gia đã tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ qua, đẩy mạnh các hoạt động gián điệp chống lại phương Tây, bao gồm cả tấn công mạng và áp đặt luật an ninh mới đối với Hong Kong.
Trong thời gian qua, chính sách đối với Trung Quốc của Vương quốc Anh không ở trong tình trạng đứng im.
Chính phủ đã cấm Huawei tham gia vào các mạng 5G, cấp hộ chiếu Anh cho công dân Anh hải ngoại ở Hong Kong (Trung Quốc) và ban hành lệnh trừng phạt đối với các quan chức liên quan đến cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong khi đó, Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới, được Hoàng gia phê chuẩn cách đây hai tuần, hứa hẹn sẽ ngăn chặn việc những công ty có quan hệ với các nhà nước như Trung Quốc mua các tài sản nhạy cảm của Anh.
Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, có sự căng thẳng về việc nước Anh nên định vị bản thân một cách chính xác như thế nào.
Một nhà ngoại giao Anh cho biết vẫn có sự không thống nhất trong chính phủ về chính sách đối với Trung Quốc. Các bộ về kinh tế không muốn đặt mối quan hệ này vào rủi ro và Bộ Giáo dục đang không thực sự giải quyết các vấn đề như tự do ngôn luận và sở hữu trí tuệ theo cách mà một số người mong muốn. Nhưng cuối cùng, bản đánh giá tích hợp đã cố gắng tạo ra sự cân bằng.
Những người bám sát quá trình soạn thảo bản đánh giá này khẳng định Bộ Tài chính thậm chí đã thúc đẩy ngôn ngữ ấm áp hơn về quan hệ đối tác kinh tế, nhưng bị xóa bỏ "vào phút cuối" sau sự can thiệp từ Bộ Ngoại giao.
Quan điểm của Bộ Tài chính có thể là một tàn tích từ "kỷ nguyên vàng," khi Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông George Osborne thực hiện chuyến công du Trung Quốc, được tháp tùng bởi các bộ trưởng và giám đốc kinh doanh, nhằm mục đích thiết lập Anh là "đối tác số một ở phương Tây" của Bắc Kinh.
Các quan chức Anh thừa nhận rằng điều này đã gieo mầm mống cho nhiều vấn đề.
Các quan chức an ninh phàn nàn rằng dù những gì họ xem là việc theo đuổi một cách phi lý đầu tư của Trung Quốc đã trôi qua, nhưng vẫn không hiểu được thực tế của việc làm ăn với quốc gia này và ảnh hưởng của nhà nước đối với khu vực tư nhân.
Một người trong Chính phủ Anh đưa ra giả thuyết rằng nỗi lo sợ đối với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt tương tự như Bắc Kinh đã áp dụng đối với Australia đã thúc đẩy việc tự kiểm duyệt khi thực hiện các hành động vì lợi ích quốc gia của Anh.
Charles Parton, cựu quan chức ngoại giao Anh và chuyên gia về Trung Quốc, đã nhiều lần thúc giục chính phủ tích cực hơn trong việc ngăn chặn các công ty và trường đại học tham gia quan hệ đối tác với các tổ chức của Trung Quốc trong các công nghệ có thể được sử dụng cho cả quân sự và dân sự.
Một báo cáo của tổ chức tư vấn Civitas vừa được công bố trong năm nay cho thấy hơn một nửa trong số 24 trường đại học thuộc Russell Group có quan hệ nghiên cứu với các nhà sản xuất và các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc mà các tổ chức này có liên hệ với quân đội.
Ông Charles Parton cũng thúc đẩy việc thành lập một cơ quan chính phủ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp hoặc trường đại học một "phán quyết nhanh chóng" về việc có được thực hiện hợp tác theo kế hoạch hay không.
Xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Trong bối cảnh bất ổn chính trị, việc triển khai chính sách xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau một thập kỷ kể từ khi khoản đầu tư 3,2 tỷ bảng vào tàu sân bay Queen Elizabeth được xác nhận lần đầu tiên dường như là một động thái mang tính quyết định của nước Anh.
Đối với các lực lượng vũ trang của Anh, chuyến đi này là bằng chứng quan trọng về sự tiến triển tiếp theo trong bối cảnh bị cắt giảm.
Dù ngân sách được bất ngờ tăng thêm 16 tỷ bảng Anh vào mùa Thu năm ngoái, song bản đánh giá quốc phòng năm nay vẫn khiến quân đội thất vọng vì việc cắt giảm 9.500 quân nhân của lục quân, xuống ước tính còn 72.500 quân vào năm 2025, đưa lục quân Anh trở thành lực lượng nhỏ nhất trong hơn ba thế kỷ. Số lượng xe tăng Challenger đã bị cắt giảm 1/3 và hơn 100 máy bay bị cắt giảm.
Trung tá Chris Ansell, chỉ huy tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, quản lý tất cả các phương tiện của tàu sân bay “từ khách sạn 4 sao rưỡi, trung tâm hội nghị cho đến tàu chiến.”
Ông nói rằng mục đích của việc triển khai lần này là "tạo ra ảnh hưởng và triển khai khả năng tương tác của chúng ta với các đối tác trên toàn thế giới, cho thấy rằng chúng ta có thể là đồng minh tốt, đáng tin cậy."
Nhóm tác chiến của tàu sân bay này sẽ bao gồm một tàu khu trục của Hà Lan và một tàu khu trục của Mỹ, cũng như 10 máy bay phản lực F35-B của Mỹ, nhiều hơn con số 8 chiếc F35-B của Anh cũng được triển khai trên tàu.
Sự thể hiện tình đoàn kết và khả năng tương tác với các đối tác quốc phòng này nhằm mục đích để thể hiện sức mạnh.
Tuy nhiên, Tobias Ellwood, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, cho rằng đó là một dấu hiệu khác cho thấy Anh đã không chấp nhận các rủi ro an ninh một cách đủ nghiêm túc.
Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc hội nói: "Chúng ta thậm chí không thể tập hợp nhóm tàu sân bay của riêng mình mà không dựa vào các đồng minh để có thêm tàu. Bản đánh giá cần thừa nhận rằng từ góc độ hàng hải, chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng chiến lược của mình và hải quân của chúng ta đơn giản là sẽ không thể cạnh tranh ở các khu vực mà Trung Quốc đang tiến vào."
Mối quan ngại đặc biệt của ông là sự chậm trễ trong việc đưa các tàu khu trục mới vào hoạt động.
Chủ tịch Ellwood nói: “Chúng ta đang dẫm vào vết chân hàng hải của mình vào thời điểm mà bản đánh giá cho rằng hãy xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hãy hiện diện ở phía đông Suez. Những gì chúng ta đang làm là phản ứng chiến thuật với Trung Quốc, nhưng không có bất kỳ sự rõ ràng chiến lược nào về nơi chúng ta muốn đến”.
Tuy nhiên một cách riêng tư, các quan chức Mỹ nói rằng họ mong muốn trong giai đoạn hậu Brexit, London sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh châu Âu, những người hồi tháng trước đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình.
Curtis Scaparrotti, một tướng Mỹ đã nghỉ hưu và trước đây là tư lệnh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, mô tả sự xoay trục của Anh sang khu vực này là "hữu ích."
Tuy nhiên, ông lưu ý: "Câu hỏi duy nhất của tôi là liệu bạn có thể duy trì không?"
Tom Tugendhat, Chủ tịch Nhóm nghiên cứu Trung Quốc bao gồm các nghị sỹ Bảo thủ, người lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh, thì thẳng thừng hơn với nhận định: “Tôi nghĩ nghiêng sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ý tưởng hay miễn là nó tồn tại lâu dài vì nếu chỉ là hành động một lần thì không có ích gì. Ra đi nhanh chóng và quay trở lại là đang phô bày những điểm yếu.”
Phố Downing có chấp nhận mạo hiểm?
Mặc dù vậy, việc liệu Chính phủ Anh có mạo hiểm với một cuộc đối đầu như vậy hay không là chưa rõ ràng.
Trong ngắn hạn, Anh đang cố gắng hợp tác với các đồng minh phương Tây về chính sách đối với Trung Quốc - một nỗ lực đã trở nên cấp thiết sau quyết định loại Huawei khỏi các mạng 5G của Anh vào năm ngoái, qua đó thúc đẩy các cuộc thảo luận với các đồng minh về việc làm thế nào để nhanh chóng phát triển các nhà cung cấp viễn thông thay thế.
Dù vậy, việc thành lập một diễn đàn các đồng minh không hề dễ dàng. Việc Anh mời Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới tại Cornwall đã gây tranh cãi với một số nước châu Âu, những nước vốn lo ngại rằng ông Johnson đang cố gắng triệu tập một nhóm được gọi là các nền dân chủ D10.
Những lời chỉ dẫn gần đây của Anh đã nhấn mạnh rằng các nước được mời với tư cách là khách một lần đến hội nghị thượng đỉnh G7 và rằng họ là “các nền dân chủ cùng chí hướng” chỉ là ngẫu nhiên khi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương - không phải là một phần của một nhóm chiến lược nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Các nhà ngoại giao Anh hiện hạ thấp ý tưởng biến nhóm D10 thành một thực thể chính thức khi lưu ý đến sự phản đối của châu Âu.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gần đây đã im lặng về khả năng Anh tham gia vào nhóm được biết đến là Bộ tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia và đôi khi được mệnh danh là "NATO của châu Á" - một ý tưởng mà ông không loại trừ trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, các động thái rộng lớn hơn theo hướng mở rộng phạm vi của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand có vẻ như không phát huy tác dụng.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Zhao Lijian cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền của Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với sự thất bại, trong khi Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta tháng trước cho biết bà “không thoải mái” với việc Five Eyes có thêm các chức năng ngoài tình báo để lên án Trung Quốc.
Chủ tịch Tugendhat tin rằng Anh có vai trò quan trọng trong việc thực hiện một cách tiếp cận có tính gắn kết của phương Tây đối với Bắc Kinh, nhưng ông cũng lập luận rằng Anh sẽ thành công hơn nếu các ưu tiên chính sách của nước này rõ ràng.
Ông nói: “Những gì chúng ta cần làm là xây dựng một diễn đàn mới. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bạn phải biết mình đang cố gắng làm điều gì”./.