Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để Hà Nội phát triển toàn diện

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Luật Thủ đô sau sửa đổi (hoặc ban hành mới) phải đảm bảo tính toàn diện, tính đặc biệt thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô.
Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để Hà Nội phát triển toàn diện ảnh 1Các Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.. (Nguồn: kinhtedothi)

Ngày 15/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW trên địa bàn thành phố.

Các Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết và đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước. Kinh tế duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, Hà Nội đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15 -NQ/TW. Cùng với đó là đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch sớm hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, phối hợp với Hà Nội trong việc báo cáo rà soát, đánh giá chính sách thi hành Luật Thủ đô, đề xuất chính sách, cơ chế đặc thù để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đối với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thành phố đề nghị tiếp tục quan tâm tăng cường công tác phối hợp, trao đổi trong quy hoạch xây dựng và quy hoạch các ngành, lĩnh vực để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng.

[Tổng kiểm toán Trần Sỹ Thanh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội]

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, gần 17 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương trong cả nước, Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp của thành phố...

Với đặc thù về vị trí cũng như vai trò của Hà Nội đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng và kết quả triển khai Nghị quyết trong thời gian qua, các nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết nghiên cứu, tổng hợp vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong gần 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX, để hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thành phố, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, Hà Nội bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Luật Thủ đô sau sửa đổi (hoặc ban hành mới) phải đảm bảo tính toàn diện, tính đặc biệt thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô, tính tiên phong trong giải quyết các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển đô thị, tính hiệu quả nhất là trong huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương trên địa bàn và tính định hướng với các địa phương trong vùng.

Thành phố Hà Nội cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội.

Thành phố bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới như: Phát triển kinh tế tri thức dựa trên bốn trụ cột của kinh tế tri thức; nghiên cứu và thể nghiệm các mô hình mới, cách làm hiệu quả để rút kinh nghiệm, nhân rộng; khai thác hiệu quả các hành lang phát triển, phát huy vai trò của Hà Nội trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và các hành lang kinh tế liên Vùng và quốc tế; tích hợp hiệu quả với các nhân tố mới, nguồn lực mới từ các cơ chế thí điểm; khai thác cơ hội và chủ động ứng phó với các thách thức Hiệp định thương mại tự do; đón xu thế chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu, đón nhận các dòng vốn đầu tư mới hậu COVID-19.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện; tăng cường thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục