Hy Lạp, CH Cyprus hối thúc EU có quan điểm cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ

Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hy Lạp, CH Cyprus hối thúc EU có quan điểm cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều tới hoạt động ở phía Đông Địa Trung Hải. (Nguồn: Greek City Times)

Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp ngày 18/8 đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) có quan điểm cứng rắn hơn trước hoạt động làm gia tăng căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Thông tin trên được đưa ra trong chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias tới thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cyprus.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm của Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades và người đồng cấp nước chủ nhà Nikos Christodoulides, Ngoại trưởng Dendias cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ làm leo thang căng thẳng, các hành động của nước này "coi thường quan điểm rõ ràng của EU, Mỹ… cũng như coi thường các giá trị châu Âu, luật pháp quốc tế… và dẫn tới hoạt động quân sự hóa.”

[Ngoại trưởng EU họp khẩn về căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp]

Trong khi đó, Ngoại trưởng Christodoulides cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những "hành vi gây hấn chưa từng có tiền lệ."

Căng thẳng liên tục leo thang trong tuần qua khi Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis tới vùng biển ngoài khơi đảo Meis (theo cách gọi của Ankara, trong khi Hy Lạp gọi là đảo Kastellorizo) nhằm tìm kiếm hydrocarbon ở khu vực này.

Phía Hy Lạp cũng đã triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu trên. 

Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây càng làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả Cyprus, Ai Cập và Israel./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.