Ngày 3/12, Hy Lạp thừa nhận chưa thể đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn nhằm quản lý dòng người di cư đang ùn ùn kéo về quốc gia này để tìm đường tới các khu vực khác của châu Âu và cho rằng Liên minh châu ÂU (EU) cũng chưa thực hiện đầy đủ cam kết hỗ trợ Athens.
Thứ trưởng Nội vụ Hy Lạp Yiannis Mouzalas thừa nhận sự chậm trễ và kém hiệu quả trong công tác quản lý dòng người nhập cư, đồng thời kêu gọi EU khởi động cơ chế hỗ trợ nhập cư.
Ông này cũng thừa nhận những trung tâm đăng ký tị nạn ở các hòn đảo của Hy Lạp, nơi tiếp nhận rất nhiều người tị nạn mỗi ngày, vốn có thể đẩy nhanh tiến độ, nhưng EU đã không đáp ứng yêu cầu của Athens về việc bổ sung thêm 1.600 nhân lực cho các cơ sở này.
Trước đó, Athens đã gửi tới Brussels danh sách những hỗ trợ cần thiết như cấp cứu, vận tải, các dụng cụ chứa nhiên liệu, lều bạt và chăn. Ông Mouzalas hy vọng các quốc gia đối tác sẽ giúp đỡ nhiệt tình và nhanh chóng.
Hy Lạp đang phải chịu rất nhiều sức ép đến từ các quốc gia trong khu vực về việc quản lý dòng người di cư đổ về quốc gia này, đặc biệt sau vụ khủng bố khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại Paris (Pháp) tối 13/11.
Trong số những thủ phạm, ít nhất 2 kẻ đã được cấp phép tị nạn tại cơ sở đăng ký tin nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp hồi tháng 10.
Cũng trong ngày 3/12, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết quốc gia này sẽ siết chặt công tác rà soát thông tin của những người xin tị nạn, trong đó, nổi bật là các biện pháp tiếp cận thông tin cá nhân mới chặt chẽ hơn như phỏng vấn trực tiếp đối với mọi đối tượng bao gồm những người Syria trước đó mới chỉ cung cấp thông tin viết tay mà chưa được phỏng vấn.
Theo ông, các biện pháp nghiêm ngặt hơn là rất cần thiết trên cơ sở an ninh, tránh những trường hợp sử dụng hộ chiếu giả. Trong cuộc họp với lãnh đạo các bang, Thủ tướng Angela Merkel cũng cho biết chính phủ sẽ xem xét việc cấp giấy tờ tùy thân cho người nhập cư.
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) và tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) hoạt động vì môi trường đã liên kết triển khai các hoạt động cứu hộ người nhập cư vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp.
Bên cạnh việc triển khai 3 tàu cấp cứu tại phía Bắc đảo Lesbos, các đội ngũ y tế và xe cứu thương cũng được huy động tới tại các địa điểm tàu di cư cập bến để hỗ trợ y tế cho những người di cư gặp vấn đề về sức khỏe.
Sắp tới, các tổ chức này sẽ điều thêm 3 tàu cứu hộ nhằm tăng cường năng lực cứu trợ cho người di cư. Trong hai tháng qua, MSF đã giúp đỡ 6.154 người tị nạn gặp vấn đề sức khỏe./.