Hy Lạp đề xuất hướng giải quyết khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Theo Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis, các khoản tín dụng ưu đãi trị giá khoảng 230 tỷ euro dự kiến trích từ Quỹ Phục hồi của châu Âu nên được sử dụng để hỗ trợ đối phó với khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Hy Lạp đề xuất hướng giải quyết khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. (Nguồn: primeminister.gr)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Delphi lần thứ 7 có sự tham gia của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, ngày 9/4, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng cần phải tách riêng giá khí đốt và giá điện để giải quyết khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh cần phải tách rời giá khí đốt và giá điện để giảm thiểu thiệt hại cho người dân và các doanh nghiệp.

Theo ông, các khoản tín dụng ưu đãi trị giá khoảng 230 tỷ euro (250,16 tỷ USD) dự kiến trích từ Quỹ Phục hồi của châu Âu để giúp các nước phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 nên được sử dụng để hỗ trợ đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Theo đài truyền hình quốc gia Hy Lạp ERT, Thủ tướng Mitsotakis đã kêu gọi một phản ứng chung của các nước châu Âu đối với vấn đề trên và bày tỏ hy vọng sẽ có được giải pháp thỏa đáng vào tháng 5 tới.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh tới các hành động ở cấp độ quốc gia trong kiểm soát giá cả leo thang.

[Liên minh châu Âu thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga]

Trong khi đó, về phía OECD, Tổng Thư ký Cormann nêu rõ ngoài các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giá cả phải chăng, còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo an ninh lương thực và thể hiện quan điểm phản đối chính sách bảo hộ.

Ông nói: “Chúng ta phải duy trì các thị trường mở và đã tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất, qua đó đảm bảo giá cả ổn định."

Diễn đàn Kinh tế Delphi diễn ra trong 4 ngày tại miền Trung Hy Lạp và đã bế mạc ngày 9/4, thu hút sự tham gia của 800 diễn giả trên khắp thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.