Hy Lạp đã quyết định đóng cửa các ngân hàng từ tối 28/6 và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính sau khi các cuộc đàm phán cứu trợ với các chủ nợ quốc tế rơi vào bế tắc.
Động thái này được đưa ra vào thời điểm Xứ sở Thần thoại đang tiến gần hơn tới nguy cơ phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Hội đồng ổn định tài chính Hy Lạp, bao gồm đại diện chính phủ, các nhà điều hành và các ngân hàng, đã quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát từ đêm 28/6 sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ đóng băng các khoản vay khẩn cấp mà thiết chế này cung cấp để "nuôi sống" hệ thống ngân hàng Hy Lạp.
Trong tuyên bố về biện pháp kiểm soát vốn trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã trấn an người dân Hy Lạp rằng các khoản tiền gửi của họ vẫn an toàn.
Trong khi đó, truyền thông Anh đưa tin các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa đến ngày 7/7, 2 ngày sau khi nước này tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về các điều khoản cứu trợ mà các chủ nợ quốc tế đưa ra.
Trong một diễn biến cho thấy sự gia tăng can dự của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Hy Lạp, Tổng thống Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và đề nghị có hành động khẩn cấp để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel nhất trí rằng Hy Lạp cần tìm cách trở lại con đường cải tổ mà không rời khỏi Eurozone.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng ra một tuyên bố sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Đức và Pháp đề nghị các chủ nợ xem xét giảm nợ cho Hy Lạp, một tình huống mà Đức và các nước thành viên Eurozone khác phản đối mạnh mẽ./.