Hy Lạp, Hàn Quốc và Mỹ dẫn đầu thế giới về hiệu suất kinh tế năm 2023

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tiêu dùng tư nhân tại Hy Lạp được hỗ trợ nhờ mức tăng lương thực tế cao, trong khi hoạt động đầu tư tiếp tục tăng nhờ Kế hoạch Phục hồi Quốc gia.

Người dân mua sắm tại một đại lý bán lẻ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một đại lý bán lẻ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo tờ The Economist, Hy Lạp, Hàn Quốc và Mỹ là ba nền kinh tế có hiệu suất kinh tế tốt nhất thế giới trong năm qua, trong khi nhiều nước Bắc Âu có năm 2023 ảm đạm.

Kinh tế toàn cầu từng được dự báo sẽ suy thoái vào năm 2023, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Nhưng dự báo này đã sai. GDP toàn cầu năm nay có thể tăng 3%.

Thị trường việc làm được giữ vững. Lạm phát có xu hướng giảm. Thị trường chứng khoán tăng 20%. Tuy nhiên, kết quả chung này không cho thấy được sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế.

The Economist đã tổng hợp số liệu về 5 chỉ số: lạm phát, quy mô lạm phát, GDP, việc làm và hiệu suất thị trường chứng khoán của 35 nền kinh tế, chủ yếu là các nước giàu.

Xếp hạng hiệu suất của các nền kinh tế trong năm qua dựa trên 5 chỉ số này để đưa ra tổng điểm, với một số kết quả được cho là đáng ngạc nhiên.

Đứng đầu năm thứ hai liên tiếp là Hy Lạp, một kết quả đáng chú ý với nền kinh tế mà đến gần đây vẫn bị cho là quản lý kém. Ngoài Hàn Quốc, nhiều nền kinh tế khác có hiệu suất cao là ở châu Mỹ.

Mỹ đứng ở vị trí thứ ba, trong khi Canada và Chile cũng theo gần sát, lần lượt xếp thứ 6 và 7. Trong khi đó, các nền kinh tế có hiệu suất kém hơn nằm ở Bắc Âu, trong đó có Anh (thứ 30), Đức (thứ 27), Thụy Điển (thứ 31) và xếp cuối là Phần Lan.

Nền kinh tế Hy Lạp phục hồi từ năm 2018, sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hàng thập kỷ buộc nước này phải chấp nhận 3 gói cứu trợ quốc tế. Năm nay, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ được phản ánh qua doanh thu thuế cao hơn dự kiến.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tiêu dùng tư nhân tại nước này được hỗ trợ nhờ mức tăng lương thực tế cao, trong khi hoạt động đầu tư tiếp tục tăng nhờ Kế hoạch Phục hồi Quốc gia.

ttxvn-kinh-te-hy-lap-6512.jpg
Siêu tàu container cập cảng Piraeus ở Hy Lạp ngày 10/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Năm nay, GDP Hy Lạp ước tăng 2,4%. Nước này đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn, đạt 2,9% năm 2024 nhờ vào dòng khách du lịch mạnh mẽ, đầu tư và nhu cầu trong nước cao hơn. Cùng với đó, lạm phát và tình trạng thất nghiệp tiếp tục cải thiện.

Ở vị trí thứ hai, nền kinh tế Hàn Quốc gặp nhiều thách thức trong năm nay nhưng đã khắc phục dần nhờ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu chip. Xuất khẩu của nước này giảm 12 tháng liên tiếp trước khi tăng trở lại từ tháng Mười.

Tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu chip lần đầu tăng kể từ tháng 8/2022. Chip là một trong những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tháng qua, chiếm 17%.

Đứng vị trí thứ ba, Mỹ đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể trong suốt năm 2023, dù các dự báo trước đó bi quan. Tháng 12/2022, Blue Chip Economic Forecast từng cho rằng GDP của nước này sẽ giảm 0,1%.

Nhưng theo dự báo mới nhất, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2,6%, nhờ sức chi tiêu mạnh của người tiêu dùng, sự phục hồi trong đầu tư sản xuất và mua sắm công gia tăng.

Theo Nhà Trắng, GDP thực tế của Mỹ năm nay thậm chí còn vượt các dự báo trước đại dịch của Văn phòng Ngân sách Quốc hội và IMF.

Kết quả xếp hạng trên trước hết dựa vào việc giải quyết thách thức lớn vào năm 2023 là giá cả tăng cao, đặc biệt là lạm phát lõi, không tính các mặt hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã kiểm soát được giá cả. Tại Thụy Sỹ, lạm phát lõi chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, ở những nơi khác của châu Âu, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng. Tại Hungary, lạm phát cơ bản hàng năm ở mức 11%.

Phần Lan, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga, cũng đang gặp khó khăn.

Ở hầu hết quốc gia phát triển, lạm phát đang hạ nhiệt, khi được đo bằng quy mô lạm phát, tức tỷ trọng các mặt hàng trong giỏ tính giá tiêu dùng có giá tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng trung ương Chile và Hàn Quốc đã tăng lãi suất mạnh trong năm 2022, sớm hơn nhiều so với các nước phát triển khác và điều này đang mang lại những kết quả.

Tại Hàn Quốc, quy mô lạm phát đã giảm từ 73% xuống 60%. Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Canada cũng hưởng lợi một phần khi quy mô lạm phát giảm.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, cuộc chiến chống lạm phát thậm chí còn chưa thể có hồi kết. Ví dụ, lạm phát ở Australia vẫn dai dẳng, với giá của gần 90% mặt hàng trong giỏ hàng của người dân bình thường tăng hơn 2%. Pháp và Đức cũng đang gặp khó khăn. Ở Tây Ban Nha, lạm phát ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hai chỉ số đo tiếp theo là tăng trưởng việc làm và GDP. Về GDP, không một nền kinh tế nào cho kết quả ấn tượng. Tăng trưởng năng suất trên toàn thế giới còn yếu, khiến tiềm năng tăng trưởng GDP bị hạn chế.

Thị trường lao động vốn đã thắt chặt vào đầu năm 2023 khiến rất ít cơ hội để cải thiện về vấn đề việc làm.
Tuy nhiên, chỉ có một số quốc gia thực sự chứng kiến GDP giảm. Ireland giảm mạnh nhất (4,1%). Estonia cũng có kết quả yếu kém, do chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột tại Ukraine.

Kinh tế Anh và Đức cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đức đang chịu tác động từ cú sốc giá năng lượng và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ xe nhập khẩu của Trung Quốc.

Trong khi đó, Anh vẫn đang giải quyết hậu quả của Brexit. Hầu hết nhà kinh tế dự báo nước này sẽ vẫn tăng trưởng yếu những năm tới.

Ngược lại, Mỹ đạt kết quả khả quan cả về GDP lẫn việc làm. Nước này hưởng lợi từ việc sản xuất năng lượng cao kỷ lục cũng như gói kích thích tài chính hào phóng được thực hiện vào năm 2020 và 2021.

ttxvn-kinh-te-duc-1578.jpg
Các container hàng hóa tại cảng Duisburg, Đức ngày 13/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tác động tích cực đến các quốc gia khác. Ví dụ, việc làm ở Canada đã tăng lên. Hay như Israel, quốc gia coi Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất, đã đứng thứ tư trong bảng xếp hạng tổng thể, dù xung đột bắt đầu vào tháng Mười khiến triển vọng năm 2024 trở nên bất ổn.

Về hiệu suất thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán Mỹ, nơi quy tụ các công ty sẵn sàng hưởng lợi từ cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo, đã được dự báo là sẽ hoạt động tốt.

Nhưng trên thực tế, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, hiệu suất chỉ ở mức trung bình. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Australia hoạt động kém hiệu quả.

Thị trường chứng khoán Phần Lan có một năm tồi tệ, với giá cổ phiếu của Nokia tiếp tục sụt giảm chậm và kéo dài.

Ngược lại, các công ty Nhật Bản đang trong thời kỳ phục hưng nhờ những cải cách về quản trị doanh nghiệp cuối cùng đã mang lại kết quả. Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất năm 2023, tăng gần 20% về giá trị thực.

Nhưng thị trường huy hoàng nhất chính là Hy Lạp, với giá trị thực của thị trường chứng khoán đã tăng hơn 40% năm 2023. Các nhà đầu tư đã đổ tiền trở lại vào các công ty Hy Lạp khi chính phủ nước này thực hiện loạt cải cách hỗ trợ thị trường.

Mặc dù Hy Lạp vẫn nghèo hơn nhiều so với trước khi bị phá sản đầu những năm 2010, nhưng IMF đã ca ngợi "sự chuyển đổi về kỹ thuật số của nền kinh tế" và "cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng" trong một tuyên bố gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.