Hy Lạp hoàn tất thỏa thuận tư nhân hóa 14 sân bay nội địa

Hy Lạp thông báo nước này vừa hoàn tất quá trình tư nhân hóa 14 sân bay nội địa theo đúng thỏa thuận giữa chính phủ nước này và các chủ nợ quốc tế nhằm tháo gỡ vấn đề nợ công của Athens.
Hy Lạp hoàn tất thỏa thuận tư nhân hóa 14 sân bay nội địa ảnh 1Đại diện các bên sau khi ký hoàn tất thỏa thuận nhượng quyền sử dụng 14 sân bay ở Athens. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Hy Lạp thông báo nước này vừa hoàn tất quá trình tư nhân hóa 14 sân bay nội địa theo đúng thỏa thuận giữa chính phủ nước này và các chủ nợ quốc tế nhằm tháo gỡ vấn đề nợ công của Athens.

Trong thông báo ngày 12/4, Hy Lạp cho biết 14 sân bay nội địa - gồm cả sân bay Thessaloniki và những sân bay tại các điểm "nóng" du lịch như Mykonos, Santorini và Corfu - hiện do hiệp hội gồm Công ty điều hành sân bay Fraport của Đức và Slentel Ltd của Cyprus quản lý.

Theo thỏa thuận đạt được hồi năm 2015 giữa Hy Lạp và các chủ nợ, Athens nhượng quyền sử dụng 14 sân bay nội địa cho hiệp hội nói trên trong thời gian 40 năm để thu về 1,3 tỷ USD.

Trong 4 năm đầu tiên quản lý sân bay, phía đầu tư có trách nhiệm cải tạo cơ sở hạ tầng, sau đó tiếp tục duy trì và bảo quản dịch vụ tại các sân bay này trong suốt thời gian quản lý.

Ngoài khoản tiền 1,3 tỷ USD thu về lần đầu, mỗi năm Hy Lạp nhận thêm 22,9 triệu euro (gần 24 triệu USD) tiền thuê 14 sân bay nói trên.

Việc tư nhân hóa sân bay nội địa này là một phần cam kết của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế hồi tháng 7/2015 để đổi lấy gói cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro, giúp Hy Lạp tránh được nguy cơ rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, Hy Lạp cam kết tư nhân hóa một số cảng biển và tài sản quốc gia.

Hy Lạp hiện đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế. Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 160% GDP, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.

Mới đây, ngày 7/4, Chính phủ Hy Lạp đã nhất trí "về nguyên tắc" một loạt đề xuất cải cách mới do các chủ nợ châu Âu đưa ra, mở ra hy vọng giúp Athens có thể nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3, kịp thời thanh toán khoản nợ có hạn chót vào tháng 7 tới và một lần nữa tránh được nguy cơ vỡ nợ dẫn tới việc phải rời khỏi Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.