Ngày 8/7, tại Nghị viện châu Âu ở Strasburg (Pháp), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tuyên bố trong vòng hai ngày tới, Hy Lạp sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể cho các nước Khu vực đồng euro (Eurozone) theo như quyết định của hội nghị thượng đỉnh nhóm này.
Thủ tướng Hy Lạp cam kết Athens sẽ tiếp tục quá trình cải cách, không gây xung đột với các nước châu Âu và Eurozone, tuy nhiên nhà lãnh đạo này cũng lưu ý thỏa thuận giữa Hy Lạp với các nước đối tác châu Âu phải thực sự giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Ông Tsipras nhấn mạnh Hy Lạp không muốn cắt đứt quan hệ với châu Âu song chính sách kinh tế khắc khổ theo điều kiện của Ủy ban châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) "không đáp ứng được mong đợi và chỉ làm gia tăng nạn thất nghiệp, phân hóa xã hội, sụt giảm GDP."
Trong khi đó, Cơ chế bình ổn châu Âu cho biết Hy Lạp đã gửi đề nghị chính thức yêu cầu chương trình trợ giúp thứ 3 trong khuôn khổ của cơ chế này.
Cùng ngày 8/7, Cơ quan phụ trách nợ của Hy Lạp thông báo nước này đã thu được 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) từ tiền bán công trái kỳ hạn sáu tháng với lãi suất 2,97%, không thay đổi so với lần phát hành gần nhất một tháng trước đây. Tiếp tục phát hành cho đến ngày 9/7, cơ quan nợ nhắm tới mục tiêu thu tổng cộng 2 tỷ euro từ số công trái kỳ hạn sáu tháng.
Hy Lạp buộc phải bán trái phiếu ngắn hạn bởi không thể tiếp cận với thị trường cho vay dài hạn. Ngân sách nước này hiện chủ yếu sử dụng các chương trình tín dụng của IMF và EU cùng trái phiếu ngắn hạn.
Trong một diễn biến liên quan, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Christian Noyer đồng thời là Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo nền kinh tế Hy Lạp đang bên bờ thảm họa. Nếu Hy Lạp không đạt thỏa thuận với các đối tác châu Âu, hậu quả sẽ nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới hỗn loạn.
Ông Noyer cũng tuyên bố ECB sẽ buộc phải ngừng hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp nếu ngày 12/7 tới Athens không đạt được thỏa thuận với các đối tác châu Âu về vấn đề nợ của nước này./.