Hy Lạp sẽ không nhận được viện trợ mới trước tháng 8

Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone Dijsselbloem cho biết việc thảo luận về chương trình mới hỗ trợ Hy Lạp sẽ không thể tiến hành trước tháng 8.
Hy Lạp sẽ không nhận được viện trợ mới trước tháng 8 ảnh 1Chủ tịch Eurogroupe Jeroen Dijsselbloem. (Nguồn: AFP)

Tại cuộc họp của giới chức Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở Brussels ngày 17/2, Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroupe) Jeroen Dijsselbloem cho biết việc thảo luận về chương trình mới hỗ trợ Hy Lạp sẽ không thể tiến hành trước tháng Tám tới.

Nếu các điều kiện thuộc chương trình trợ giúp hiện thời được Hy Lạp tuân thủ, sẽ có từng phần trợ giúp được rót cho quốc gia này từ nay tới tháng Năm.

Chủ tịch Eurogroupe cũng nhấn mạnh rằng sau khi có số liệu chính xác do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố vào cuối tháng Tư về thặng dư của Hy Lạp, việc trợ giúp quốc gia này mới được bàn tới.

Theo Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras, Athens đạt thặng dư (chưa trừ số tiền dùng để trả nợ) trên 1,5 tỷ euro trong năm 2013, vượt yêu cầu của các chủ nợ.

Tuyên bố của Chủ tịch Eurogroup đã làm lãnh đạo Hy Lạp "cụt hứng" khi họ đang mong chờ các cuộc bàn luận sẽ được tiến hành sớm.

Theo tuần báo der Spiegel của Đức, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble muốn gửi tới Hy Lạp "một tín hiệu đoàn kết" trước cuộc bầu cử châu Âu diễn ra vào cuối tháng Năm tới. Nhưng Thủ tướng Angela Merkel hôm 16/2 đã cho dừng dự án này.

Bà Merkel cảnh báo Chính phủ Hy Lạp đừng mong chờ vào sự ủng hộ của Berlin cho chương trình cứu trợ mới trước khi cuộc bầu cử châu Âu diễn ra. Trong khi đó, Hy Lạp hy vọng sẽ được giảm nợ như cam kết của các đối tác châu Âu hồi cuối năm 2012.

Theo nguồn tin châu Âu, có thể sẽ có phán quyết sơ bộ của Eurogroup vào tháng Ba tới về việc giải ngân các khoản trợ giúp mới.

Hy Lạp đã nhận được các khoản vay cứu trợ trị giá 240 tỷ euro. Tuy nhiên, nợ công của Hy Lạp đang ở mức khó có thể chấp nhận được (khoảng 175%)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.