Hy Lạp từ chối khoản vay mới bất chấp khó khăn tài chính

Tân Thủ tướng Hy Lạp theo đường lối chống thắt lưng buộc bụng làm giới phân tích đặt ra câu hỏi liệu Hy Lạp có thể trụ vững trong bao lâu nữa.
Hy Lạp từ chối khoản vay mới bất chấp khó khăn tài chính ảnh 1Liệu Hy Lạp có thể trụ vững trong bao lâu nữa sau khi từ chối khoản vay mới của EU. (Ảnh: benzinga.com)

Quyết định từ chối nhận khoản vay mới từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của tân Chính phủ Hy Lạp theo đường lối chống thắt lưng buộc bụng đã khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi liệu Hy Lạp có thể trụ vững trong bao lâu nữa.

Giáo sư kinh tế tại Học viện quân sự Pháp Saint-Cyr nhận định: “Hy Lạp khó có thể trụ vững cho tới tháng Hai này.”

Trong khi đó Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, người vừa giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/1 vừa qua, phải đối mặt với khoản nợ 9 tỷ euro phải trả cho IMF trong năm nay, trong đó có 2,3 tỷ euro sẽ phải thanh toán vào tháng Hai này và tháng Ba tới, theo ngân hàng BNP Paribas.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện cũng đang nắm giữ số trái phiếu Hy Lạp trị giá 6,7 tỷ euro mà Athens sẽ phải thanh toán trong tháng Bảy và tháng Tám năm nay.

Việc Hy Lạp từ chối khoản vay mới của EU và IMF và sự kiên quyết của nước này trong việc đàm phán trực tiếp với các chủ nợ quốc tế mà không thông qua các nhà kiểm toán cấp dưới đã khiến thị trường tài chính thực sự lo ngại.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm hiện đã ở mức trên 11%, khiến Hy Lạp rất khó có thể vay thêm các khoản vay mới nếu không có sự bảo trợ của EU và IMF.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 31/1 đã bác bỏ khả năng xóa nợ cho Hy Lạp như mong muốn của tân Thủ tướng Alexis Tsipras, động thái làm gia tăng căng thẳng giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Hamburger Abendblatt, bà Merkel tuyên bố các ngân hàng đã giảm nợ cho Hy Lạp vài tỷ USD.

Thủ tướng Đức cũng nhắc lại muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp tài chính, Athens cần thực hiện cải cách như đã cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Thủ tướng Đức cho biết Liên minh châu Âu (EU) "sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết với Hy Lạp" và các nước chịu khủng hoảng khác, nếu các nước này "cố gắng thực hiện cải cách và tiết kiệm."

Trước thái độ cứng rắn của Đức, lãnh đạo Chính phủ Hy Lạp dự kiến đầu tuần tới sẽ đến Italy và Pháp để đàm phán lại khoản nợ khổng lồ của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.