Hy Lạp và chương trình QE - Chủ đề chính trong cuộc họp ECB

Hy Lạp và chương trình QE sẽ là những chủ đề chính của cuộc họp hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu diễn ra vào ngày 3/6 tới.
Hy Lạp và chương trình QE - Chủ đề chính trong cuộc họp ECB ảnh 1Quang cảnh bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia phân tích nhận định trong cuộc họp hội đồng điều hành dự kiến diễn ra vào ngày 3/6 tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không đưa ra chính sách kinh tế mới, trong bối cảnh chương trình mua trái phiếu trị giá lên tới 1.140 tỷ euro của ngân hàng này đang tác động tích cực đến nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Thay vào đó, giới phân tích đang chờ đợi báo cáo của Chủ tịch ECB Mario Draghi về tính hiệu quả của chương trình mua trái phiếu cũng như tình hình khủng hoảng của Hy Lạp.

Hồi tháng Ba, ECB đã khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) gây tranh cãi để “bơm” một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế và cải thiện chỉ số lạm phát ở mức thấp "kinh niên" của Eurozone.

Sau một thời gian thực hiện, triển vọng kinh tế khu vực đã phát đi những tiến hiệu khả quan. Tuy nhiên, Jonathan Loynes, chuyên gia đến từ công ty nghiên cứu về kinh tế vĩ mô Capital Economics, dự đoán Chủ tịch Draghi sẽ “thận trọng” và tiếp tục kế hoạch mua trái phiếu trị giá 60 tỷ euro/tháng cho đến hết tháng 9/2016 hoặc cho đến khi chỉ số lạm phát đạt được những tiến bộ bền vững.

Ngoài QE, Hy Lạp cũng sẽ là một “điểm nóng” khác trong cuộc họp. Trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, chuyên gia Loynes cho rằng Chủ tịch Draghi sẽ vẫn duy trì cách tiếp cận cứng rắn đối với Athen.

Ngày 3/6, ECB cũng sẽ công bố dự báo cập nhật về tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.