Hy vọng mở ra cho ngành hàng không Mỹ thoát khủng hoảng do COVID-19

Số liệu từ các sân bay cuối tuần vừa qua cho thấy số khách bay đạt mức cao kỷ lục trong một năm qua - tín hiệu đáng mừng mở ra hy vọng việc Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch.
Hy vọng mở ra cho ngành hàng không Mỹ thoát khủng hoảng do COVID-19 ảnh 1Máy bay Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lãnh đạo các hãng hàng không Mỹ ngày 15/3 bày tỏ hy vọng về khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi số liệu từ các sân bay cuối tuần vừa qua cho thấy số khách bay đạt mức cao kỷ lục trong một năm qua.

Lượng vé đặt của hãng Delta Air Lines bắt đầu tăng từ cách đây khoảng sáu tuần khi người dân bắt đầu lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ xuân, hè.

Giám đốc điều hành của hãng, ông Ed Bastian, ngày 15/3 chia sẻ rằng hy vọng vào khả năng thoát hiểm đã không thành vào tầm thời điểm này năm ngoái, nhưng dường như những hy vọng trong năm nay sẽ trở thành hiện thực.

[Các hãng hàng không Mỹ xúc tiến việc gọi nhân viên đi làm trở lại]

Ngày 15/3, giá cổ phiếu nhiều hãng hàng không Mỹ đã tăng cao, như cổ phiếu United Airlines tăng 8,6% lên 61,13 USD, cổ phiếu American Airlines tăng 7,7% và cổ phiếu Delta tăng 3,3%.

Mùa xuân năm ngoái, đại dịch đã khiến ngành du lịch gần như tê liệt, quy định hạn chế đi lại và nỗi lo lây nhiễm đã buộc hầu hết người dân tại Mỹ phải ở nhà và không đến tới các sân bay suốt gần một năm qua.

Năm 2020, lượng khách của các hãng hàng không Mỹ đã giảm 60% so với 2019 xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980, theo số liệu của Cục Thống kê Giao thông Mỹ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện vẫn khuyến cáo người dân không nên du lịch, và theo Cục An ninh Giao thông, số người di chuyển bằng máy bay vẫn chưa bằng một nửa nếu so sánh vào cùng thời điểm với năm 2019.

Tuy nhiên, các con số đang bắt đầu tăng dần. Các sân bay ghi nhận gần 1,36 triệu người di chuyển bằng các chuyến bay trong ngày 12/3 và hơn 1,34 triệu người di chuyển ngày 14/3, và hai ngày này có số khách bay nhiều nhất kể từ tháng 3/2020.

Các hãng hàng không cho biết lượng vé đặt cũng tăng lên trong những ngày gần qua, giúp giảm bớt phần nào tình trạng lỗ triền miên của họ.

Theo hiệp hội các hãng hàng không Mỹ, nhiều khả năng các hãng sẽ vượt qua mốc doanh thu 150 triệu USD/ngày trong quý đầu tiên của 2021.

Giám đốc điều hành hãng United Airlines Scott Kirby phát biểu tại hội nghị ngành hàng không hôm 15/3 rằng công ty của ông đang hy vọng sẽ đạt doanh thu dương, không tính nợ, trong tháng này.

Ông Kirby cũng thừa nhận United Airlines chưa thể có lợi nhuận và sẽ phải tập trung trả nợ trước mắt, nhưng cũng bày tỏ hy vọng ngành du lịch sẽ sớm bùng nổ sau một năm tê liệt vì đại dịch.

Lãnh đạo các hãng hàng không từ lâu đã có chung nhận định rằng nhu cầu du lịch sẽ tăng trở lại đáng kể sau khi nhiều người được tiêm chủng.

Dù hiện nay biên giới nhiều nước vẫn đóng cửa và các doanh nghiệp cũng chưa thể mở lại các sự kiện hội nghị trực tiếp nhưng rõ ràng tình hình đã có những dấu hiện cho thấy nhu cầu đi lại bị dồn nén suốt bao lâu sẽ sớm khiến du lịch bùng nổ trở lại.

Giám đốc điều hành American Airlines Doug Parker cho biết ba tuần vừa qua có thể nói là thời gian tuyệt vời nhất đối với ngành hàng không Mỹ kể từ khi đại dịch bùng phát tới nay.

Các hãng hàng không cũng đỡ khó khăn hơn nhờ ba đợt trợ giúp tài chính của Chính phủ Mỹ và nhiều tỷ USD từ các quỹ tư nhân đã giúp họ trang trải chi phí.

Đạo luật Cứu trợ được Tổng thống Joe Biden ký và ban hành tuần vừa qua bao gồm 14 tỷ USD dành cho chi trả lương và các khoản phúc lợi cho nhân viên hàng không để các hãng không phải sa thải nhân viên từ nay đến mùa Thu.

Như vậy, tổng ngân sách Chính phủ Mỹ hỗ trợ ngành hàng không trả lương nhân viên tính tới nay đã lên tới 54 tỷ USD.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, American Airlines cho biết sẽ huy động được khoảng 10 tỷ USD bằng cách thế chấp chương trình khách bay thường xuyên của hãng.

Trong khi đó, hai hãng Southwest Airlines và JetBlue Airway bày tỏ lạc quan khi thấy ngày càng nhiều người quyết định đi du lịch, đặt chỗ kỳ nghỉ và đặt các chuyến bay thăm gia đình, người thân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.