Hyundai, Kia vẫn đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc, Toyota ra xe SUV lai

Toyota cho biết mẫu xe SUV lai có thể chạy một quãng đường lên đến 95km chỉ với một lần sạc pin và Toyota dự kiến sẽ bán 300 xe SUV lai mỗi tháng.
Hyundai, Kia vẫn đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc, Toyota ra xe SUV lai ảnh 1Mẫu ôtô của hãng Hyundai được trưng bày tại Triển lãm ôtô New Delhi, Ấn Độ, ngày 5/2/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 8/6, hai hãng chế tạo ôtô Hyundai Motor Co. và Kia Motors Corp. của Hàn Quốc thông báo sẽ kéo dài thời hạn đóng cửa nhà máy ở trong nước do xuất khẩu bị gián đoạn, giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Kia sẽ đóng cửa nhà máy số 2 ở Gwangju từ ngày 25-30/6 do dịch bệnh tiếp tục làm giảm nhu cầu ở các thị trường nước ngoài.

Nhà máy số 2 đã phải ngừng hoạt động đến ba lần từ ngày 27/4 đến 5/6 để kiểm soát hàng tồn kho. Nhà máy này có dây chuyền sản xuất dòng ôtô thể thao đa dụng (SUV) Sportage và mẫu xe gia đình Soul, song lệnh phong tỏa ở Mỹ và châu Âu đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ôtô từ Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hyundai đã tạm dừng một số dây chuyền sản xuất ôtô tại nhà máy số 3 và số 4 ở Ulsan, từ ngày 1-5/6. Hãng sẽ tiếp tục đóng cửa các dây chuyền này từ ngày 10-12/6.

Các mẫu xe Hyundai bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 gồm có mẫu SUV cỡ nhỏ Kona, xe cỡ nhỏ Veloster và Venue, và các mẫu ôtô điện và xăng lai điện Loniq.

Hyundai và Kia đã tạm ngừng phần lớn các nhà máy ở nước ngoài từ tháng Ba do đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.

Dù chưa hoạt động trở lại với công suất như trước đại dịch, tất cả các nhà máy ở nước ngoài của Hyundai và Kia đã khởi động trở lại từ đầu tháng Sáu này.

[Kia Motors lại có kế hoạch ngừng hoạt động chế tạo xe tại Hàn Quốc]

Trong năm tháng đầu năm 2020, doanh số bán xe của Hyundai và Kia lần lượt giảm 26% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 1,3 triệu chiếc và 949.860 chiếc.

Hyundai hiện có bảy nhà máy ở trong nước và 10 nhà máy ở nước ngoài, trong đó có 4 nhà máy ở Trung Quốc, với tổng công suất lên tới 5,5 triệu xe.

Trong khi đó, Kia - với 34% cổ phần thuộc Hyundai, có tám nhà máy sản xuất ôtô ở trong nước và bảy nhà máy ở nước ngoài, trong đó có ba nhà máy tại Trung Quốc và một nhà máy ở Mỹ, một nhà máy ở Slovakia, một nhà máy ở Mexico và một nhà máy Ấn Độ, với tổng công suất 3,84 triệu xe.

Toyota ra mắt mẫu SUV lai đầu tiên tại thị trường Nhật Bản

Hãng chế tạo ôtô Toyota Motor Corp. của Nhật Bản ngày 8/6 đã bắt đầu bán mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) lai đầu tiên của hãng tại thị trường nội địa, giữa lúc hãng đang tìm cách gia tăng thị phần trên thị trường ôtô điện.

Hyundai, Kia vẫn đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc, Toyota ra xe SUV lai ảnh 2Mẫu xe RAV 4. (Nguồn: Toyota)

Mẫu xe RAV4, sở hữu động cơ công suất lớn mới được phát triển, cho phép xe chạy quãng đường dài hơn với khả năng tăng tốc tốt hơn mẫu xe lai truyền thống được “trình làng” hồi tháng 4/2019. RAV4 được bán với giá khởi điểm gần 4,7 triệu yen (42.840 USD).

Toyota cho biết mẫu xe SUV lai này có thể chạy một quãng đường lên đến 95km chỉ với một lần sạc pin. Toyota dự kiến sẽ bán 300 xe SUV lai mỗi tháng.

Trong một diễn biến khác, Toyota và năm nhà sản xuất ôtô Trung Quốc mới đây cho biết sẽ đầu tư tổng cộng hơn 5 tỷ yen (46 triệu USD) để thành lập một liên doanh tại Bắc Kinh trong năm 2020 nhằm phát triển xe chạy pin nhiên liệu (FCV) ở Trung Quốc.

Toyota sẽ nắm giữ 65% cổ phần trong liên doanh này, với tên gọi United Fuel Cell System R&D (Beijing) Co., trong khi nhà sản xuất động cơ chạy pin nhiên liệu Beijing SinoHytec Co. sẽ nắm giữ 15% cổ phần và bốn nhà sản xuất ôtô Trung Quốc gồm China FAW Corp., Dongfeng Motor Corp., Guangzhou Automobile Group Co. và Beijing Automotive Group Co. mỗi công ty sẽ nắm giữ 5% cổ phần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tại một đại lý bán xe của Honda ở Burlingame, California (Mỹ) ngày 6/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nghệ lái xe tự động "cực đỉnh" của Honda

Ngày 9/10 Honda thông báo đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên trên thế giới cung cấp công nghệ lái xe tự động cho phép tài xế rời mắt khỏi đường trong hầu hết các tình huống giao thông.