Ngày 21/9, tại thủ đô Moskva của Nga, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) đã phối hợp với Quỹ Con đường Hòa bình, Nga tổ chức Hội thảo quốc tế về “Thực trạng tại Biển Đông - Những biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi.”
Dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch IADL Jeanne Mirer, các đại biểu, học giả, chuyên gia từ Nga, Bỉ, Italy, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, lãnh đạo, thành viên ban thường vụ IADL, Quỹ Con đường Hòa bình cùng giảng viên, sinh viên một số trường đại học tại Nga đã tham gia thảo luận 2 nội dung chính: “Tình hình Biển Đông 2 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Tòa Trọng tài);” và “Các cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế nhằm giảm leo thang căng thẳng, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực.”
[Cần phải thượng tôn pháp luật trong vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông]
Các đại biểu cho rằng tình hình ở Biển Đông hiện nay về bề nổi đã lắng dịu hơn so với thời điểm sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết (tháng 7/2016), nhưng thực chất vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, một trong số những vấn đề đó là việc xây dựng và gia cố đảo nhân tạo trái phép và các hoạt động quân sự hóa tại khu vực Biển Đông.
Các học giả đã đưa ra nhiều đề xuất về những giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong đó có giải pháp sử dụng cơ chế hòa giải, cơ chế trọng tài, cơ chế tham vấn mở dựa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Đặc biệt, các tham luận đều nhấn mạnh, cho dù sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nào thì các bên cũng cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài PCA về vấn đề Biển Đông.
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Jeanne Mirer đánh giá cao các sáng kiến, đề xuất mà các đại biểu đã đưa ra, khẳng định những góp ý này sẽ là một trong những tiền đề để góp phần mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực Biển Đông.
Chủ tịch IADL khuyến nghị sớm chấm dứt các hoạt động quân sự hóa cũng như bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo bất hợp pháp để bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin nhằm gìn giữ an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của khu vực.
Bà nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, bao gồm nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia liên quan trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, yêu cầu các bên cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, nghiêm cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thay mặt IADL và ban tổ chức hội thảo, bà Mirer đề nghị tất cả những chuyên gia, học giả tới từ các nước trong khu vực Biển Đông tham dự hội thảo báo cáo kết quả của hội thảo với chính phủ nước mình để nghiên cứu và tiến tới đưa vào thực thi những sáng kiến phù hợp.
IADL là tổ chức phi chính phủ, được thành lập năm 1946 với vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận những thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên. IADL có tư cách cố vấn tại Hội đồng kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).
Trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, IADL đã hai lần ra Tuyên bố về tình hình Biển Đông (11/2013, 5/2014), tổ chức họp báo tại Hà Nội công bố Tuyên bố và Thư phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam (11/6/2014)./.