ICAO dự báo 2021 tiếp tục là năm tồi tệ cho hàng không thế giới

ICAO dự báo triển vọng ngắn hạn của ngành hàng không tiếp tục không mấy sáng sủa và sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào thành công của các loại vắcxin ngừa COVID-19 mà nhiều nước đang triển khai tiêm phòng.
Cảnh vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại sân bay ở Paranaque, Philippines, ngày 19/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại sân bay ở Paranaque, Philippines, ngày 19/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc ngày 15/1 đã dự báo về một năm tồi tệ và khó khăn tài chính nữa đối với các hãng hàng không thế giới do nhu cầu đi lại bằng đường không tiếp tục giảm vì đại dịch COVID-19.

Trong một báo cáo, ICAO cho biết đi lại bằng đường không trong năm 2020 đã giảm 60% do các quốc gia đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại để ngăn ngừa lây lan COVID-19.

Với chỉ 1,8 tỷ lượt hành khách chọn đi lại bằng máy bay trong năm đầu tiên của đại dịch, so với con số 4,5 tỷ lượt hành khách của năm 2019, các hãng hàng không trên thế giới đã tổn thất 370 tỷ USD.

[Ngành hàng không thế giới cần thêm 80 tỷ USD để 'vượt bão' COVID-19]

Các sân bay và các cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu thiệt hại tương ứng là 115 tỷ USD và 13 tỷ USD.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu đang đe dọa làm mất đi hàng triệu việc làm trong ngành hàng không.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng gây thiệt hại to lớn cho ngành du lịch, xét từ việc một nửa số du khách quốc tế từng đi lại bằng đường không trước khi đại dịch xảy ra.

Triển vọng ngắn hạn của ngành hàng không theo ICAO là tiếp tục không mấy sáng sủa và sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào thành công của các loại vắcxin ngừa COVID-19 vốn đang được nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm phòng cho người dân.

Bất chấp sự thưa vắng ảm đạm của các đường bay quốc tế, ICAO đánh giá các chuyến bay nội địa đang có sự phục hồi mạnh hơn, đặc biệt tại Trung Quốc và Nga, nơi số lượng hành khách hàng không đã gần như trở lại mức trước đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.