ICJ yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa khu vực Nagorny-Karabakh

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc ngày 22/2 đã yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa Nagorny-Karabakh đang tranh chấp với Armenia.
ICJ yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa khu vực Nagorny-Karabakh ảnh 1Binh sỹ và xe quân sự của Azerbaijan di chuyển qua thị trấn Lachin, gần khu vực biên giới với Armenia ngày 1/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc ngày 22/2 đã yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa Nagorny-Karabakh đang tranh chấp với Armenia, cho rằng người dân ở khu vực này sẽ có nguy cơ phải gánh chịu “tổn thất không thể bù đắp được.”

Trong phán quyết được đưa ra ở La Haye, thẩm phán chủ tọa Joan Donoghue nêu rõ: “Trong lúc chờ đợi phán quyết cuối cùng về vụ kiện này, Azerbaijan sẽ phải triển khai tất cả các biện pháp nhằm đảm bảo không cản trở hoạt động di chuyển của người, phương tiện và hàng hóa dọc theo Hành lang Lachin theo cả hai hướng.”

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã chỉ trích hành động phong tỏa Hành lang Lachin là vi phạm trắng trợn các thỏa thuận mà Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ký.

[EU triển khai phái bộ giám sát đến biên giới Armenia-Azerbaijan]

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh, khu vực này nằm sâu trong phần lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Từ ngày 12/12 năm ngoái, một số người Azerbaijan tự nhận là các nhà hoạt động môi trường đã đối đầu với lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Hành lang Lachin ở Nagorny-Karabakh.

Armenia cáo buộc những người biểu tình này được chính phủ Azerbaijan hậu thuẫn.

Trong khi đó, Baku phủ nhận thông tin về hành động phong tỏa, khẳng định một số đoàn xe và viện trợ được phép đi qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.