IEA: Cần đầu tư vào ngành năng lượng 48 tỷ USD

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thay thế nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, IEA khuyến cáo cần đầu tư vào ngành năng lượng hơn 48 tỷ USD từ nay đến năm 2035.
IEA: Cần đầu tư vào ngành năng lượng 48 tỷ USD ảnh 1Khai thác dầu tại khu vực gần Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thay thế nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khuyến cáo cần phải đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hơn 48 tỷ USD từ nay đến năm 2035.
Khả năng đình chỉ nguồn vốn đầu tư vào ngành khai thác mỏ ở khu vực Trung Đông có thể đẩy giá dầu tăng lên đến 150 USD/thùng.
Phóng viên TTXVN dẫn báo cáo của IEA công bố ngày 3/6, cho biết: gần 40 tỷ USD trong tổng số tiền nói trên cần được đầu tư vào việc cung ứng năng lượng, trong khi 8 tỷ USD còn lại sẽ được dùng để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư hàng năm vào lĩnh vực năng lượng khoảng 1,6 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, trong những thập kỷ tới cần phải tăng đầu tư vào lĩnh vực này lên 2 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, chi phí hàng năm cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng cần phải tăng lên đến hơn 550 tỷ USD từ mức 130 tỷ hiện nay.
Khu vực Trung Đông sẽ cần những khoản đầu tư lớn bởi vì sự tăng trưởng sản xuất tại các nước ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), chẳng hạn như sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, sẽ chậm lại vào khoảng năm 2025.
Báo cáo của IEA nêu rõ: "Triển vọng tăng trưởng đầu tư vào khai thác dầu ở Trung Đông là không chắc chắn: bên cạnh việc các chính phủ ở khu vực này có những ưu tiên chi tiêu khác thì những trở ngại về chính trị, an ninh và hậu cần có thể hạn chế sản xuất.”
Nếu sản xuất không tăng trưởng ở mức cần thiết, giá dầu chắc chắn sẽ leo thang. Giá dầu thô Brent Biển Bắc hiện tại vào khoảng 109 USD/thùng. Vào lúc đỉnh điểm hồi năm 2012, giá dầu đã nhảy vọt lên tới 128 USD/thùng.
IEA ước tính trong tổng mức đầu tư cho việc cung ứng năng lượng, cần đầu tư 23 tỷ USD cho việc khai thác, vận chuyển nhiên liệu hóa thạch và lọc dầu.
Trong khi đó, gần 10 tỷ USD sẽ được đầu tư cho việc sản xuất điện năng phát thải ít khí cacbon, chủ yếu là sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. 7 tỷ USD còn lại sẽ được đầu tư cho hệ thống phân phối và truyền tải điện.
Theo báo cáo của IEA, năm ngoái, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo đạt 250 tỷ USD, giảm so với mức đỉnh điểm 300 tỷ USD năm 2011. Trong khi đó đầu tư vào khai thác, vận chuyển nhiên liệu hóa thạch và lọc dầu khoảng 1,1 tỷ USD.
IEA cũng cảnh báo châu Âu rằng việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng có thể đe dọa mức độ tin cậy của việc cung ứng điện.
IEA nhấn mạnh châu Âu cần đầu tư 2 tỷ USD để cải thiện hệ thống điện vào năm 2035, nếu không việc cung ứng điện ở khu vực này sẽ không được đảm bảo.
Trong diễn biến liên quan, mới đây tại Hội nghị chuyên đề "Tham vọng, thực tế, ý tưởng - năng lượng và thập kỷ châu Âu," diễn ra tại thủ đô Prague của Cộng hòa Séc, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Guenther Oettinger cũng đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như hợp tác chặt chẽ trong việc cung ứng lẫn nhau nguồn nhiên liệu chiến lược này để giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Theo ông Oettinger, điều quan trọng nhất là hoàn tất việc hình thành thị trường khí đốt và điện nội khối, xây dựng các đường ống dẫn khí đốt mới, tăng khối lượng dự trữ năng lượng cũng như xây dựng các kho mới tiếp nhận khí hóa lỏng.
Ông Oettinger cho biết tới mùa Đông năm nay, các nước EU sẽ phải hoàn tất việc thiết lập một hệ thống cung ứng khí đốt lẫn nhau./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.