IEA cảnh báo những yếu tố bất ổn trên thị trường dầu mỏ thế giới

Theo IEA, dù số ca COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhưng các biện pháp phòng dịch mà các chính phủ ban hành lại không nghiêm ngặt như trước đây, từ đó tác động ít hơn đến nhu cầu dầu mỏ.
IEA cảnh báo những yếu tố bất ổn trên thị trường dầu mỏ thế giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Thị trường dầu mỏ thế giới có thể sẽ trải qua thêm một năm đầy biến động, tuy nhiên nhu cầu dầu mỏ đang tăng cao khi ngành này dần điều hòa được tác động của làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Đây là nhận định mới được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra ngày 19/1.

IEA đã điều chỉnh số liệu ước tính nhu cầu dầu mỏ thế giới. Cơ quan này cho rằng nhu cầu dầu mỏ đã tăng 5,5 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 200.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.

Như vậy, trong năm 2022, tổng nhu cầu dầu mỏ được dự báo đạt khoảng 99,7 triệu thùng/ngày, vượt qua các mức ghi nhận trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo IEA, dù số ca COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhưng các biện pháp phòng dịch mà các chính phủ ban hành lại không nghiêm ngặt như trước đây, từ đó tác động ít hơn đến hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

[Giá dầu thế giới phiên 18/1 chạm mức cao nhất của 7 năm]

Tuy nhiên, IEA cũng lưu ý triển vọng tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ hiện đang chưa sáng rõ do "những gián đoạn và sụt giảm năng suất" tại một số nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+).

Nếu nhu cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hoặc nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, lượng dự trữ thấp và năng lực sản xuất dư tiếp tục giảm sẽ khiến các thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm 2022.

Giá dầu đã giảm mạnh kể khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm 2020, tuy nhiên đã dần tăng trở lại và lên mức cao nhất trong hơn 7 năm vào ngày 18/1 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.