IEA cảnh báo tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu

IEA cảnh báo kể cả khi các nước OPEC và OPEC+ tuân thủ cam kết chặt chẽ cắt giảm sản lượng thì vẫn có khả năng lượng dầu tồn kho tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2020.
Một giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria, ngày 5/11/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria, ngày 5/11/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ có thể vẫn không đủ để chấm dứt tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu.

Tuần trước, OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC, gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày và việc điều chỉnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Với quyết định này, sản lượng dầu mỏ mới sẽ ít hơn 1,7 triệu thùng/ngày so với sản lượng của tháng 10/2018.

Bước đi này nhằm hỗ trợ giá "vàng đen" vốn đang chịu sức ép do nguồn dự trữ dồi dào và tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu kém.

[Giá dầu giảm do dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng]

Trong khi Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC, nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ thêm 400.000 thùng/ngày, IEA cho rằng hầu hết sản lượng cắt giảm này đã được tiến hành.

Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, IEA ước tính những cam kết mà OPEC và OPEC+ đưa ra sẽ chỉ giúp sản lượng dầu mỏ giảm 530.000 thùng/ngày so với sản lượng của tháng 11.

Kể cả khi các nước này tuân thủ cam kết chặt chẽ, vẫn có khả năng lượng dầu tồn kho tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2020.

IEA cũng dự báo sản lượng dầu trên thị trường toàn cầu có thể tăng 0,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020.

Trong báo cáo của mình, IEA cũng lưu ý về việc các thị trường dầu mỏ phản ứng thờ ơ trước thỏa thuận mà OPEC+ đạt được, khi giá dầu Brent chỉ tăng 1 USD lên khoảng 64 USD/thùng.

IEA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm tới xuống còn 101,5 triệu thùng/ngày, giảm 0,1 triệu thùng/ngày. Điều này chủ yếu do sự sụt giảm nhu cầu của các nước công nghiệp trong nửa cuối năm 2020, bất chấp nhu cầu của Trung Quốc tăng cao hơn.

Báo cáo của IEA cũng đề cập tới xu hướng tiêu thụ năng lượng gia tăng tại Trung Quốc. Trong quý 3 vừa qua, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng 900.000 thùng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhu cầu của Trung Quốc chiếm gần 75%.

Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu dầu mỏ của Trung quốc tiếp tục đi lên trong tháng 10, khi tăng 710.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí nhanh hơn so với mức 585.000 thùng được ghi nhận trong 9 tháng đầu năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.