IEA nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2015

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng nhanh trong năm 2015 với nguồn cung chủ yếu từ Bắc Mỹ, trong khi thị phần dầu mỏ của các nước OPEC tiếp tục đà suy giảm.
IEA nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2015 ảnh 1Xe ôtô xếp hàng chờ nạp nhiên liệu tại Arbil (Iraq) ngày 25/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng nhanh trong năm 2015 với nguồn cung chủ yếu từ Bắc Mỹ, trong khi thị phần dầu mỏ của các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục đà suy giảm.

Đây là dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 14/7.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn dự báo của các chuyên gia IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm tới sẽ tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày so với mức 1,2 triệu thùng hiện nay, chủ yếu đến từ các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia công nghiệp mới.

Nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng 4,2% từ mức 3,3% trong năm nay, trong khi nhu cầu của quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu là Mỹ chỉ tăng 0,2%, đạt mức 19,1 triệu thùng/ ngày.

Về sản xuất, IEA dự báo các quốc gia ngoài OPEC vẫn giữ vững mức tăng trưởng trung bình 1,2 triệu thùng/ngày trong năm tới, trong đó Mỹ và Canada tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dầu cát ở Canada, sản lượng dầu đá phiến sét ở phía Nam bang Texas (Mỹ) trong năm nay tiếp tục tăng 34%, đạt mức 1,4 triệu thùng/ ngày và sẽ lên đến 1,6 triệu thùng/ ngày vào năm tới.

Sự nổi lên của các nước khu vực Bắc Mỹ đã làm xói mòn thị phần của các nước thành viên OPEC và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong năm tiếp theo.

Theo IEA, trong năm 2015, nhu cầu dầu thô đối với OPEC sẽ giảm nhẹ xuống 29,8 triệu thùng, chủ yếu do hoạt động sản xuất ở một số nước OPEC bị gián đoạn nghiêm trọng do khủng hoảng chính trị trong nước.

Trong khi đó, các nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu sẽ trở nên đa dạng hơn với triển vọng tăng trưởng sản xuất tương đối mạnh của Brazil, Anh, Việt Nam, Malaysia, Na Uy và Colombia.

IEA đồng thời cảnh báo những rủi ro từ các nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi, nhất là ở Iraq và Lybia.

Giá dầu vẫn ở mức cao lịch sử và không có dấu hiệu đi xuống. Dầu Brent Biển Bắc đã có lúc lên đỉnh điểm trong tháng Sáu, với hơn 115 USD/thùng do tác động của xung đột leo thang tại Iraq khiến nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này ngừng hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.