Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho rằng các thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thắt chặt và các nước sản xuất lớn cắt giảm nguồn cung đã khiến thế giới lần đầu tiên rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự.
Nhập khẩu LNG của châu Âu tăng và khả năng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc phục hồi sẽ khiến thị trường thắt chặt, khi công suất LNG chỉ tăng thêm 20 tỷ m3 trong năm tới.
Trong khi đó, quyết định gần đây của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày là một quyết định "rủi ro" khi IEA nhận thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu sẽ ở mức gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Đó là điều đặc biệt rủi ro khi một số nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.
[Châu Âu đối mặt với hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng]
Giá cả tăng trên toàn cầu đối với một số nguồn năng lượng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá đang khiến người tiêu dùng thêm khó khăn khi lạm phát giá thực phẩm và dịch vụ đang tăng.
Giá cao và khả năng phân phối có thể là điều bất lợi cho người tiêu dùng châu Âu khi mùa Đông sắp tới.
Với dầu mỏ, mức tiêu thụ dự kiến tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, khiến thế giới sẽ cần đến dầu mỏ của Nga để đáp ứng nhu cầu.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đề xuất cơ chế cho phép các nước mới nổi mua dầu của Nga nhưng với giá thấp để hạn chế nguồn thu của nước này sau xung đột tại Ukraine. Cơ chế này vẫn còn nhiều điểm cần được làm rõ.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ tuần trước cho rằng thế giới vẫn cần dầu của Nga. Một tỷ lệ 80-90% lượng dầu của Nga được cung cấp ra bên ngoài là mức đáng khuyến khích để đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, dù vẫn còn một lượng lớn dầu trong các kho dự trữ chiến lược có thể được giải phóng khi nguồn cung gián đoạn, hiện chưa có kế hoạch cho điều này./.