IFAD tài trợ Việt Nam 33 triệu USD phát triển nông thôn

IFAD đã ký hiệp định tài trợ 33 triệu USD thực hiện Dự án “Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.”
IFAD tài trợ Việt Nam 33 triệu USD phát triển nông thôn ảnh 1Đại sứ Nguyễn Hoàng Long (trái) và chủ tịch IFAD Kanayo F. Nwanze kí hiệp định tài trợ giúp Việt Nam phát triển nông thôn bền vững. (Ảnh: Phạm Thành/Vietnam+)

Chiều 27/11, tại trụ sở của Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) ở thủ đô Rome của Italy đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định tài trợ trị giá 33 triệu USD của IFAD cho Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Italy kiêm Đại diện Thường trực Việt Nam tại IFAD, ông Nguyễn Hoàng Long và ông Kanayo F. Nwanze, Chủ tịch IFAD, đã ký Hiệp định tài trợ này.

Theo hiệp định, số tiền 33 triệu USD của IFAD tài trợ cho Việt Nam theo điều kiện ưu đãi nhất nhằm thực hiện Dự án “Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.”

Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch IFAD Kanayo F. Nwanze đã chúc mừng và đánh giá cao chính sách cũng như các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch IFAD khẳng định Việt Nam là ví dụ điển hình trong lĩnh vực này, do đó khoản hỗ trợ của IFAD dành cho Việt Nam nhằm giúp các hộ nông dân nghèo phát triển và nâng cao khả năng thích ứng với khủng hoảng và biến đổi khí hậu.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long đã cảm ơn sự tin tưởng và hỗ trợ của IFAD đối với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là sự hỗ trợ dành cho các địa phương khó khăn tại Việt Nam, trước hết tập trung cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long tuyên bố Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, đồng thời bày tỏ hy vọng hợp tác giữa IFAD và Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

Đại sứ khẳng định phía Việt Nam cam kết sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của IFAD nói riêng cũng như của các tổ chức quốc tế nói chung.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết IFAD là một trong những tổ chức quốc tế đã cung cấp cho Việt Nam rất nhiều khoản vay ưu đãi, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đầu tháng 12/2013, dự kiến Việt Nam sẽ có cuộc đàm phán với IFAD về khoản vay trị giá 14 triệu USD cho dự án về thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được những khoản vay ưu đãi từ IFAD.

Mặc dù đã bước vào nhóm những nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên Việt Nam vẫn tiếp tục dựa vào những nguồn vay ưu đãi quan trọng của IFAD, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khoản vay 33 triệu USD dành cho hai tỉnh nghèo Quảng Bình và Hà Tĩnh được ký kết lần này là những khoản vay quan trọng để hai tỉnh trên đầu tư vào việc phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, hỗ trợ nông dân nghèo, các nguồn tín dụng nhỏ hỗ trợ nông dân.

Việt Nam hy vọng trong những năm tới, các khoản vay này sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả để hỗ trợ nông dân, nhất là tại các huyện, tỉnh nghèo miền núi Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long xác nhận IFAD đánh giá rất cao việc Việt Nam sử dụng nguồn vay của IFAD rất hiệu quả trong hơn hai mươi năm qua. Các khoản vay của Việt Nam được sử dụng đặc biệt hiệu quả tại các vùng cao khó khăn và hỗ trợ nông dân nghèo.

Việc IFAD cam kết tiếp tục hỗ trợ các nguồn vốn quan trọng cho Việt Nam thời gian tới thể hiện sự tin tưởng của IFAD nói riêng và nhiều tổ chức quốc tế nói chung về quyết tâm của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo./.

Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) là một tổ chức thuộc Liên hợp quốc gồm 165 thành viên là các nước thành viên của Liên hợp quốc.

IFAD bắt đầu hỗ trợ Việt Nam từ năm 1991 dưới các hình thức hỗ trợ chủ yếu như cho vay vốn với điều kiện ưu đãi, lãi suất thấp và thời gian hoàn trả trong 40-50 năm.

Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của tổ chức IFAD tại Việt Nam là tập trung hỗ trợ nông dân, ngư dân, phụ nữ nghèo, hỗ trợ một số tỉnh nghèo và có nhiều đồng bào các dân tộc ít người sinh sống.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.