IFC hỗ trợ OCB 100 triệu USD mở rộng tín dụng xanh tại Việt Nam

Khoản vay trung dài hạn trị giá 100 triệu USD vừa được ký kết nâng tổng mức cấp tín dụng của IFC cho OCB lên 280 triệu USD.
IFC hỗ trợ OCB 100 triệu USD mở rộng tín dụng xanh tại Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Để thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB).

Mục đích của khoản tín dụng này là hỗ trợ mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là thúc đẩy tài trợ cho các dự án thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, tạo ra những lựa chọn mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh thông qua việc nâng cao hiệu quả nền tảng ngân hàng công nghệ số và phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của phân khúc này.

[OCB: Tiếp sức doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19]

Ông Vivek Pathak, Giám đốc toàn cầu Khối đầu tư khí hậu của IFC, cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và các nền kinh tế trên toàn cầu, song cũng đem đến cơ hội để Chính phủ nhìn nhận lại định hướng phát triển của nền kinh tế, từ đó phân bổ các nguồn lực vốn hạn chế một cách phù hợp và hiệu quả.

"Tái thiết với trọng tâm chiến lược là các giải pháp thông minh thân thiện với khí hậu sẽ giúp tạo ra các cơ hội việc làm và thu hút đầu tư hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang quỹ đạo tăng trưởng kinh tế carbon thấp," đại diện IFC nhấn mạnh.

Cũng theo Tổ chức Tài chính Quốc tế, các lĩnh vực mới nổi mà doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang tìm kiếm nguồn vốn vay là năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp khí hậu thông minh.

Theo một nghiên cứu của IFC, tài trợ khí hậu hiện tại ở Việt Nam - tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng - hiện chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới. Thực hiện mục tiêu quốc gia giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đồng thời mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cũng cho biết: "Để nhận được gói tín dụng này, IFC đã thực hiện quy trình thẩm định chặt chẽ về hình hình tài chính ở thời điểm hiện tại của ngân hàng như hiệu quả kinh doanh, chất lượng tài sản, khả năng thanh khoản, tổ chức quản lý doanh nghiệp và quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội..."

Với khoản tài trợ dài hạn từ IFC, OCB sẽ tiếp tục có cơ hội đóng góp tích cực cho đất nước khi triển khai thêm nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường cũng như phát triển kinh tế bền vững.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững đã và đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế những năm gần đây; trong đó ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh.

OCB là một trong những ngân hàng tiên phong trong hoạt động tín dụng xanh, áp dụng quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng. Từ năm 2015, ngân hàng đã triển khai cấp tín dụng xanh theo hướng phát triển bền vững kết hợp bảo vệ môi trường theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các nhà tài trợ. Theo đó, OCB ưu tiên cấp tín dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoạt động kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và xã hội.

Thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục rà soát để cải tiến và triển khai các chính sách thực hiện mục tiêu tín dụng xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngân hàng tích cực hỗ trợ nguồn vốn trung dài hạn tài trợ cho các khoản vay dự án, công trình xanh, phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

"Chúng tôi cũng sẽ rà soát, điều chỉnh các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là nông nghiệp xanh nhằm đẩy mạnh tín dụng trong lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung," ông Tùng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.